Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI có sự tham dự của 349 đại biểu từ 16 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, đại diện cho hơn 60.000 đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Kiên trì tạo dựng hình ảnh "Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen"
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, cho biết: Trước bối cảnh thế giới ngày một "biến động, bất định, phức tạp, khó lường", phong cách lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, sâu sát hơn, quyết đoán hơn, tiên phong, gương mẫu hơn theo đúng phương châm Đại hội X Đảng bộ Tỉnh đã đề ra. Chính quyền phát huy vai trò phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực điều hành, quản lý.
Đào tạo nguồn nhân lực, thu hút các nguồn lực từng bước gắn với nhu cầu của xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của Tỉnh. Định hình những động lực tăng trưởng mới, làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với nhu cầu phát triển mới, chuyển dần từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", gắn với quan điểm xây dựng nông thôn mới thực chất và bền vững, từng bước chuyển từ nền kinh tế truyền thống đến kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: chính quyền, kinh tế và xã hội. Thu hút, phát huy hiệu quả, đa dạng các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của nhân dân. Giữ vững ổn định về quốc phòng, an ninh, giải quyết hài hoà các vấn đề xã hội. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thiết thực, gần dân, sát cơ sở.
Với nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, cùng với việc thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội của Trung ương, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, tạo ra động lực, nguồn lực và bài học kinh nghiệm cho những năm sau, mở ra thời kỳ phát triển mới. Kiên trì tạo dựng hình ảnh "Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen" lan toả nhiều giá trị, khơi gợi niềm tự hào và trách nhiệm trong mỗi người dân Đất Sen Hồng, đưa hình ảnh đặc trưng, khác biệt vượt ra khỏi địa giới hành chính của địa phương. Từ mỗi người dân đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tích cực thể hiện tính chủ động, sáng tạo, hun đúc tinh thần tự lực, tự cường của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, hướng tới một xã hội chú trọng việc tạo dựng các giá trị tự tin, tự chủ, hợp tác, hài hoà, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi không ngừng.
Không tự mãn với những kết quả đạt được, không tự bằng lòng với chính mình, Đảng bộ Tỉnh luôn trăn trở về câu hỏi: "Đồng Tháp đứng ở đâu so với các địa phương khác trong cả nước?". Không chỉ đánh giá mức độ phát triển theo chiều dọc thời gian qua các năm hay các chỉ tiêu đặt ra theo nhiệm kỳ, mà thẳng thắn phân tích tương quan phát triển theo chiều ngang giữa Đồng Tháp với các địa phương có điều kiện, đặc điểm tương đồng trong Vùng, Khu vực và cả nước.
Mạnh dạn nhìn nhận, xem xét khách quan mức độ phát triển hiện tại của Đồng Tháp đã tương xứng với tiềm năng, đã tối ưu hoá các nguồn lực? Tiềm lực có thực sự được đánh thức chưa? Các giá trị nội tại bao gồm truyền thống lịch sử, văn hoá bản địa, tính cố kết cộng đồng có thực sự làm điểm tựa, làm nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế chưa? Chất lượng sống bao gồm thu nhập, niềm hạnh phúc có được hoà quyện vào mỗi người dân chưa?
"Nhìn thẳng, nói thật", một số lĩnh vực vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Năng lực, sức chiến đấu, phong cách lãnh đạo của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, tính linh hoạt, thích ứng trong điều hành của các cấp chính quyền và sự phối hợp của hệ thống chính trị vẫn chưa theo kịp sự vận động của xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng thu nhập của người dân chưa được cải thiện rõ rệt. Một số định hướng chiến lược mang tính đột phá nhưng trong triển khai thực hiện vẫn thiếu tính đồng bộ, đôi khi còn chần chừ, làm chậm đà phát triển, làm mất đi cơ hội.
"Ngoài kia, gió đang thổi!". Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đất nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những diễn biến nhanh chóng, sâu rộng, phức tạp và bất ngờ của thế giới, vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra những thách thức ngày càng gay gắt, khó lường. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI càng thêm ý thức về trách nhiệm to lớn trước nhân dân tỉnh nhà.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đề nghị: Đại hội có nhiệm vụ đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học thực tiễn qua thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Tỉnh, trên cơ sở đó, quyết định phương hướng lãnh đạo phát triển tất cả các lĩnh vực của tỉnh nhà trong 5 năm tới. Kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá X, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI và Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích chung của nhân dân và quê hương xứ sở, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ trong những năm tới.
Để hoàn thành các nhiệm vụ của Đại hội, mỗi đại biểu cần phát huy cao độ trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần dân chủ trên cơ sở nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và tình đồng chí thân ái, đoàn kết, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu để Đại hội diễn ra đúng theo Chương trình đã được quyết nghị.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo Báo cáo chính trị, 5 năm qua, Đảng bộ Tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới và Khu vực diễn biến phức tạp, nhiều mặt không thuận lợi, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nhưng, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, Tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X đạt kết quả cao, đời sống nhân dân được nâng lên, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Một số lĩnh vực đột phá, trở thành động lực cho một số lĩnh vực khác, tạo kinh nghiệm cho những năm sau, mở ra giai đoạn phát triển mới.
Đặc biệt, Tỉnh thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 6,44%. Ước tính đến cuối năm 2020, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,93% (năm 2015 là 17,4%), thương mại - dịch vụ chiếm 45,53% (năm 2015 là 42,7%), nông - lâm - thuỷ sản chiếm 34,54% (năm 2015 là 39,9%).
Báo cáo chính trị đã dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn; xác định mục tiêu tổng quát, đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể, 06 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và 05 đột phá chiến lược phát triển tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 – 2025.
Cần phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực để phát triển tỉnh
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhất trí và đánh giá cao Báo cáo chính trị và các văn bản do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đã được chuẩn bị công phu, khoa học, kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bao quát, toàn diện, khiêm tốn, khách quan, đúng bản chất, có tính xây dựng và tính chiến đấu cao... Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã phát huy truyền thống cách mạng hào hùng và nền văn hóa lịch sử đặc sắc; kế thừa và phát huy có hiệu quả những thành tựu của những nhiệm kỳ trước; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá: “Có thể nói, nhìn tổng thể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Đồng Tháp năm sau cao hơn năm trước; làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong nhiều nhiệm kỳ qua và nhất là nhiệm kỳ này!”
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Đại hội phải thẳng thắn nhìn nhận những những khó khăn, hạn chế để tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đó là:
Công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế. Tổ chức bộ máy có nơi chưa thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị chưa đồng đều, chưa đạt được như mong muốn; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội còn chậm được đổi mới, cải tiến theo tình hình thực tế.
Tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính mà Tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu, chưa đồng bộ. Chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa.
Đồng chí Phạm Minh Chính gợi ý nhấn mạnh và làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm: Một là, phải giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Hai là, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức đủ tài, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; coi đó là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi. Ba là, phải giữ vững nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Bốn là, lãnh đạo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện và thực hiện có hiệu quả, không dàn trải, thiếu tập trung, làm việc nào dứt việc đó. Năm là, kiên quyết kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; luôn khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi, thắng không kiêu, bại không nản.
Đồng thời, đồng chí Phạm Minh Chính gợi mở và làm rõ thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để đại biểu nghiên cứu, tham khảo, cân nhắc và thảo luận trong Đại hội:
“Thứ nhất, tiếp tục giữ vững, củng cố, vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, như lời Bác căn dặn trước lúc đi xa “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực để phát triển Tỉnh, trên cơ sở dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Bên cạnh đó, cần xác định động lực và nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn mới chính là con người, là khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường, không sợ hy sinh gian khổ. biến khó khăn, thách thức, sự thiếu thốn, nghèo khổ thành động lực, thành khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân với tinh thần đoàn kết đã được Đảng bộ Đồng Tháp vun đắp trong nhiều nhiệm kỳ qua; tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, để Đồng Tháp thực sự trở thành “đóa sen hồng” tỏa hương, khoe sắc, vươn lên mãnh liệt trong khu vực và cả nước; nhân dân được ấm no, hạnh phúc, bình yên hơn trong thời gian tới.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó: (1) Coi trọng và tập trung thực hiện thật tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Giữ vững nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy; linh hoạt trong xử lý công việc và sâu sát, sáng tạo trong tổ chức thực hiện công tác xây dựng Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn của Đồng Tháp. (2) Công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt, do vậy phải thường xuyên quan tâm đầu tư thích đáng, toàn diện, đồng bộ và chăm lo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (3) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (4) Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức hoạt động và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; tăng cường phân cấp phân quyền, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. (5) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định những vấn đề lớn của địa phương. Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Uỷ ban nhân dân các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, thực hiện nghiêm lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. (6) Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Thứ ba, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; trong đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh; nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. Sự phát triển của Đồng Tháp trong thời gian tới phải đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước nhưng lại phải phù hợp với tình hình, đặc điểm của Tỉnh. Vì vậy, Đại hội cần phân tích sâu sắc, xác định, nhận diện rõ hơn những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Tháp trong mối tương quan chung của khu vực và cả nước. Trên cơ sở đó, xây dựng mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó: (1) Lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; (2) Lãnh đạo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá phù hợp với đặc điểm tình hình, tính khả thi và nhất là phù hợp với nguồn lực để thực hiện có hiệu quả, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: Huy động nguồn lực từ hợp tác công tư theo tinh thần của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng liên kết với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khai thác có hiệu quả các cửa khẩu quốc tế và tận dụng cơ hội phát triển kinh tế từ Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và dựa vào đó để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. (3) Từng bước đưa ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Tỉnh. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc của địa phương, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản phẩm du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ tư, giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; trong đó lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích. Hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng; gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của nhân dân bao đời nay trên vùng đất Đồng Tháp, để xây dựng Đồng Tháp ngang tầm với tiềm năng và truyền thống tốt đẹp của văn hóa, đất và người nơi đây. Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Phải thật sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; chăm lo đời sống của nhân dân sao cho thật sự ấm no, hạnh phúc.
Thứ năm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, trên cơ sở xây dựng Đồng Tháp thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế, với những đặc điểm như: (1) Xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. (2) Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an toàn cho hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện phương châm bảo đảm an ninh, an toàn và an dân ở mọi nơi, mọi lúc. (3) Chủ động và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; không ngừng củng cố, vun đắp, chăm lo cho truyền thống hữu nghị đặc biệt, gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. (4) Chủ động đánh giá những mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn, những yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, những vấn đề dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới để có những định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả. (5) Nắm chắc tình hình trong nhân dân, nhất là những bức xúc tại cơ sở để kịp thời giải quyết có hiệu quả.
Thứ sáu, ngoài việc phát huy nội lực, tỉnh cần chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “tất cả mọi ngành và tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới dễ dàng thành công”. Nhân Đại hội hôm nay, tôi đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, thường xuyên phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra. Các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là các tỉnh ủy, thành ủy trong vùng tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với tỉnh Đồng Tháp để thúc đẩy cùng nhau phát triển, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau ấm no và hạnh phúc”.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị: “Trong không khí trọng thể, trang nghiêm, ấm áp, đầy tính nhân văn, tính xây dựng, tính chiến đấu tại Đại hội, tôi mong rằng, với cốt cách giản dị, chân tình, sâu sắc, thật thà của con người Đồng Tháp, với tinh thần trách nhiệm cao của người Đảng viên, các đại biểu dự Đại hội sẽ nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng:
Một là, công tâm, trong sáng, dân chủ, khách quan, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. Tinh thần là phát huy dân chủ nhưng phải tập trung, dân chủ nhưng phải có sự lãnh đạo, dân chủ nhưng phải có kỷ luật, kỷ cương; tất cả vì lợi ích chung, lợi ích của Quốc gia, dân tộc. Đó chính là truyền thống quý báu và sự đoàn kết, thống nhất của Đảng ta; đáp ứng niềm tin của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Tháp kỳ vọng. Đặc biệt là không để sót những đồng chí có đức, có tài và cũng không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Hai là, dân chủ, thảo luận, phản biện, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào văn kiện của Đảng trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII; nhất là những mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về xây dựng Đảng, về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, về thi hành Điều lệ Đảng…
Ba là, sáng suốt lựa chọn để bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng bộ, có khả năng đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự thành công của Đại hội, có khả năng tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội tại địa phương…
Đồng chí Phạm Minh Chính mong muốn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Tháp đã đoàn kết rồi thì phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa, đã có quyết tâm chính trị cao rồi thì phải cao hơn nữa, đã hành động quyết liệt rồi nhưng phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã thành công rồi nhưng phải thành công, thành công nhiều hơn nữa, để mang đến cho mọi người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đầy đủ hơn; góp phần tạo ra khí thế mới, vận hội mới, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Minh Phú
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp