Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 11/10/2017 8:41'(GMT+7)

Đồng Tháp: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội

Theo đánh giá của UBND Tỉnh, những năm qua, việc triển khai thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chuyên môn đối với các tổ chức hội được tăng cường; công tác quản lý nhà nước về hội được quan tâm và cơ bản được hoàn thiện. Các tổ chức hội phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức tổ chức, hoạt động và có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở địa phương. 

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của hội đang hoạt động còn hạn chế; việc kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa có các giải pháp thiết thực, tổ chức chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội. Một số tổ chức hội hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả; tính tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của các hội quần chúng, ngày 10/10/2017, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Văn Dương đã ký ban hành Chỉ thị Số: 4/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh thực hiện một số nội dung, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu, rộng nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng đến các hội hoạt động trong lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý. Chỉ đạo các tổ chức hội thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của hội viên và Nhân dân, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của các hội.

Thứ hai, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội.

Khi công nhận Ban Vận động thành lập hội cần xem xét, quyết định theo yêu cầu thực tế của địa phương và hội lập ra phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của quần chúng Nhân dân, theo đúng quy định của pháp luật; không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Việc xem xét, cho phép thành lập hội phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Hướng dẫn các hội tổ chức và hoạt động đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện theo nguyên tắc chung là: tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí hoạt động, tuân thủ pháp luật và điều lệ hội. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và mạnh dạn kiến nghị, đề xuất UBND Tỉnh sắp xếp, sáp nhập, giải thể đối với các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ tương đồng nhau, các tổ chức hội có ít hội viên, hoạt động kém hiệu quả theo chủ trương của Tỉnh và Trung ương.

Quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn để hội tham gia vào quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thể dục thể thao, khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của ngành và của địa phương; xem xét, tạo điều kiện để hội tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội của các tổ chức hội; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo công tác quản lý về hội theo quy định.

Thứ ba, thực hiện tách số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp giao cho các hội có tính chất đặc thù đã giao từ năm 2016 trở về trước) thành số người làm việc tại các hội (biên chế của hội) từ năm 2017 trở về sau để quản lý cho phù hợp với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ… Qua đó, để các hội nắm quy định của pháp luật hiện hành, biên chế được xác định và giao cho hội có tính chất đặc thù chỉ là cơ sở hỗ trợ kinh phí để đáp ứng khối lượng, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao cho hội (biên chế của hội có tính chất đặc thù không phải là biên chế công chức và không phải biên chế sự nghiệp). Hàng năm, các tổ chức hội, căn cứ nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao để xây dựng kế hoạch số lượng biên chế gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh xem xét, quyết định theo quy định. 
Thứ tư, giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND Tỉnh thực hiện từng bước khoán kinh phí hoạt động của hội theo lộ trình phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho hội đúng theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, đề xuất UBND Tỉnh phương án sắp xếp, sáp nhập, giải thể đối với các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ tương đồng nhau, các tổ chức hội có ít hội viên theo chủ trương của Tỉnh và Trung ương.

Minh Phú
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất