Sau phát biểu khai mạc của
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có
bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này; Báo cáo tổng hợp ý kiến,
kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi
đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung, tình hình kinh
tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý
trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu
hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục
tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng
tăng 3,88%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 85% dự toán, tăng
17,9% so với cùng kỳ... Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo
hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công
nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu một số kết quả nổi bật về nhận thức,
hành động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện chính sách an sinh
xã hội; các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo
giảm 1%, còn 1,93%); xây dựng nhà ở xã hội, phong trào xóa nhà tạm, nhà
dột nát; hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3... Công tác xây
dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới
trong cách nghĩ, cách làm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm
nghẽn về thể chế, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn
lực.
Nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh
Chính nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các
động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng
trưởng mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là
các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia. Giữ vững ổn
định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy
đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa
các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới". Kiên quyết cắt
giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng
điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ
tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chú trọng
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn
diện giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân; tiếp tục nâng cao năng lực khám,
chữa bệnh...
TẬN DỤNG TỐI ĐA CƠ HỘI PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ
Hồng Thanh cho rằng, những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã
hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của
Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí
Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo,
điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của
nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh
tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các
chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ.
Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025,
Ủy ban Kinh tế đề nghị theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính
trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác
thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi
suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm
ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định.
Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất
lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa
học - công nghệ, cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh,
kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, thương mại điện tử, các mô hình
kinh doanh mới, hiệu quả.
Các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là tăng cường điều chỉnh chính sách
tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những
thách thức của toàn cầu; tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường
vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để
phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, phải đổi mới mạnh mẽ công tác xây
dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Xây dựng pháp luật phải xuất
phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể,
kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết,
khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.
HỖ TRỢ LƯƠNG THỰC, CÂY CON GIỐNG, VẬT TƯ THIẾT YẾU CHO NGƯỜI DÂN
Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi
đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại rất
nặng nề. Đảng, Nhà nước đã quan tâm dành nguồn lực xây dựng lại cầu
đường, đê kè, trường học…, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho nhân dân. Sự chia
sẻ, ủng hộ, chung tay góp sức của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh
nghiệp, tổ chức cá nhân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các
tổ chức quốc tế đã góp công, góp của để khắc phục hậu quả mưa bão gây
ra; nhiều cách làm sáng tạo, nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ người dân giảm bớt
khó khăn, bước đầu ổn định được cuộc sống. Tuy nhiên nguy cơ mất mùa,
thiếu đói, thiếu sinh kế là hiện hữu. Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn
lực gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lương thực, cây con
giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời
sống.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực
từ ngày 1/7/2023, trân trọng đề nghị cấp có thẩm quyền nhất là Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện chủ trương nhất quán của
Đảng "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng", huy động sức mạnh của toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các
mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao và rất ủng hộ việc huy động xã hội
hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Đảng, phát động của
Thủ trướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, mong muốn
Đảng, Nhà nước tính toán cân đối thêm ngân sách Nhà nước là chính để
thực hiện chương trình này. Các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư
cần tập trung cao độ, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn
thì mới có thể hoàn thành được chương trình trong năm 2025.
BẢO ĐẢM CUNG ỨNG ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI VACCIEN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày, thông qua các cuộc
tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển
đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp
tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y
tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường;
giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời,
đạt 97,8%.
Qua giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, việc giải quyết kiến
nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp
pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi
của Nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc
xác định "người lao động có thu nhập thấp" làm cơ sở cho các địa phương
thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban
hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên
thực tế.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp
tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 1/1/2025. Bộ Giáo
dục và Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành
quy định về chế độ đối với giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được
hưởng chế độ...
Trưởng Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các
địa phương có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời
vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; phân công cơ quan chủ trì
khẩn trương tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản hướng
dẫn điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã
hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục
tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản
quy phạm pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất
lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri; đảm bảo thời gian gửi
báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri kịp thời, đúng quy định./.
TTXVN