Thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Hội nghị Trung ương 5 là phải xóa bỏ
mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân và điều này đòi hỏi nỗ lực
rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và
các bộ, ngành.
Hội nghị Trung ương 5 vừa kết thúc, cộng
đồng doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang trông đợi
một sự kiện lớn khác sẽ diễn ra trong tuần tới: Hội nghị Thủ tướng Chính
phủ với doanh nghiệp lần thứ hai sau lần thứ nhất năm 2016.
Hội nghị Trung ương 5 đã thảo luận về
hàng loạt vấn đề rất lớn, rất quan trọng, đó là hoàn thiện thể chế kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới
và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và phát triển kinh tế tư
nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận
thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những
bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư
nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan
trọng" để phát triển kinh tế.
Trong số nhiều chủ trương, giải pháp đột
phá mà Hội nghị đã thông qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh “trước hết, cần
tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư
nhân”. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm
nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và
hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Nhà
nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và
hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt
luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông
lệ, chuẩn mực quốc tế; xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các
thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân
phát triển.
Có thể nói, “xóa bỏ mọi rào cản, định
kiến với khu vực kinh tế tư nhân” là thông điệp, yêu cầu dứt khoát và
mạnh mẽ từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước. Thông điệp này có tầm
quan trọng đặc biệt. Đối với Chính phủ, những quyết sách của Hội nghị
Trung ương 5 sẽ là căn cứ để triển khai mạnh mẽ hơn những giải pháp hoàn
thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khu vực doanh
nghiệp nhà nước, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Trong tuần tới, vào ngày 17/5, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc sẽ lần thứ hai gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp trong một
hội nghị quy mô lớn với khoảng 2 nghìn đại biểu tham dự trực tiếp và
hàng nghìn đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, thành phần chủ yếu tham dự hội nghị là các
doanh nghiệp tư nhân, đúng như tinh thần của Hội nghị Trung ương 5.
Suy cho cùng, việc hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường cũng chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế
tư nhân phát triển. Bởi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế
đều cần môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh, nhưng
mong mỏi nhất điều này vẫn là các doanh nghiệp khối tư nhân. Việc tái cơ
cấu doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tạo ra không gian rộng lớn hơn cho
các doanh nghiệp tư nhân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn
chế, yếu kém của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Nhưng nhiều ý kiến
cho rằng lý do quan trọng nhất cản trở khối doanh nghiệp này phát triển
chính là những vướng mắc về thể chế, mà trước tiên là do tư duy lạc hậu
của không ít cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, chính khối doanh nghiệp
này còn gặp rất nhiều khó khăn do những biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần
phòng chống mọi biểu hiện trên, kiên quyết đấu tranh và có biện pháp
phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp
Nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư
nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt
động của doanh nghiệp Nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí,
gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo ý kiến các chuyên gia và cộng đồng
doanh nghiệp, vị thế của các doanh nghiệp tư nhân trong Hội nghị với Thủ
tướng sắp tới là tương ứng với vai trò và số lượng của khu vực tư nhân
trong nền kinh tế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tinh thần của Hội nghị là
đối thoại thực chất. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và
lãnh đạo nhiều ngành sẽ trực tiếp lắng nghe doanh nghiệp, không chỉ bàn
những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Nếu xóa bỏ định kiến chính là việc thay
đổi tư duy, thì việc xóa bỏ rào cản đòi hỏi hành động cụ thể để sửa đổi,
bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách đang cản trở khu vực kinh
tế này phát triển. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan
thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ ngành.
Được tổ chức ngay sau Hội nghị Trung
ương 5, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp thể hiện tinh thần
khẩn trương nhất, quyết tâm cao nhất của Chính phủ trong việc triển
khai những quyết nghị đột phá mới của Trung ương về đường hướng, chiến
lược phát triển đất nước. /.
Theo chinhphu.vn