Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 17/10/2014 20:32'(GMT+7)

Dự án cảng hàng không Long Thành- cơ hội và thách thức

Ngày 17/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Sân bay Long Thành- cơ hội và thách thức". Đây là dự án đang được dư luận đặc biệt quan tâm và sẽ  Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải Phạm Quý Tiêu; GS. Lã Ngọc Khuê, Chủ tịch HĐKH Bộ GTVT, chuyên gia phản biện độc lập; TS Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu.

Theo TS. Lương Hoài Nam, về cơ sở pháp lý, căn cứ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch phát triển GTVT, giao thông hàng không, Nghị quyết 13 đã xác định phải phát triển hệ thống giao thông đồng bộ. Về sự phát triển của ngành hàng không trong thời gian vừa qua, có thể thấy, liên tục trong 10 năm trở lại đây, ngành hàng không đều phát triển trên 2 con số. Dự báo cho đến 2016 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu khách, tới năm 2020 sẽ bị quá tải. Đây là 1 áp lực rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng không. Ba vấn đề không giải quyết được hiện nay là quy hoạch đường lăn, tắc nghẽn trên bầu trời và giao thông kết nối. Chắc chắn sự tăng trưởng sẽ tạo ra thách thức, nhưng đó cũng là có hội, vấn đề là trước cơ hội như thế chúng ta có làm hay không.

Giải thích vì sao lại chọn Long Thành là cảng hàng không quốc tế, GS Lã Ngọc Khuê nhấn mạnh, khoảng cách này chỉ tương đương với khoảng cách từ sân bay Nội Bài về trung tâm TP Hà Nội, thậm chí gần hơn. Vị trí này hết sức tuyệt vời, nếu so sánh với các cảng hàng không lớn ở các nước ASEAN thì không có nước nào có hệ thống đồng bộ như thế. Trong tương lai, đi vào giữa trục của sân bay này sẽ có một tuyến đường sắt quốc gia. Nếu chúng ta hình dung ra 1 CHK có đường sắt quốc gia thì đó là 1 sự kết nối tuyệt vời. Nơi đây lại gần cảng biển nước sâu trên sông Thị Vải, nó sẽ là 1 cửa mở rất lớn cho toàn bộ hệ tầng giao thông. “Không có 1 cảng hàng không lớn nào mà chỉ dựa vào hệ thống giao thông đô thị như sân bay Tân Sơn Nhất. Nó nằm trong 1 lòng chảo mà mật độ dân cư rất đông đúc, chúng ta phải thoát ra khỏi thế chân tường này” - GS. Lã Ngọc Khuê cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cũng cho biết thêm sân bay Tân Sơn Nhất đã thêm xây sân đỗ, đường băng, nhưng không thể làm đường băng thứ 3 được. Theo Thứ trưởng, kể cả chúng ta chi ra một số tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng làm đường băng thì vấn còn cản trở do hạn chế vùng trời.

Theo GS. Lã Ngọc Khuê, ngành hàng không đang ở vào thời kì có nhu cầu, cơ hội phát triển lớn, chính vì vậy mà các nước xung quanh chúng ta không ngồi yên mà hành động rất quyết liệt. Thượng Hải từng có sân bay Hồng Kiều, nhưng bỏ Hồng Kiều làm sân bay Phố Đông. Quảng Châu từng có sân bay Bạch Vân, bỏ Bạch Vân cũ làm sân bay Bạch Vân mới. Hồng Kông ngày xưa rất nhộn nhịp, cứ 23 giây một lần máy bay lên xuống nhưng người ta bỏ sân bay cũ, đổ đất lên biển xây sân bay lớn… GS. Lã Ngọc Khuê cho rằng: “Nếu chúng ta chậm chân 1 lần nữa thì chúng ta sẽ trượt chân, chưa biết chúng ta có bắt được vào guồng kinh tế toàn cầu hay không. Trong đặc điểm vận hành của nền kinh tế vận tải toàn cầu, một khi luồng khách đã hình thành, sau này chúng ta làm thêm cảng biển, sân bay, chưa chắc luồng hành khách đã trở lại bởi người ta đã đi quen lối cũ rồi. Cho nên chúng ta phải có nỗ lực mang tính chiến lược để làm sân bay Long Thành”.

Về công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, việc giải phóng mặt bằng của toàn bộ 5.000ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án, chia thành hai phân kỳ. Phần việc này tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm. Tỉnh đã tính toán và có phương án giải phóng, di chuyển 4.541 hộ dân. Khu tái định cư sẽ ở gần các khu công nghiệp để giải quyết việc làm. Vấn đề đền bù đất đai, ngân sách nhà nước sẽ phải chi là 18,5.000 tỷ đồng. Khi khảo sát, hỏi ý kiến của 4.541 hộ dân, chỉ có 25 hộ dân là không đồng ý.

GS Lã Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, nếu chúng ta tiếp tục mở rộng để nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất thì trước hết phải làm đường băng, thậm chí là làm nhà ga phía Bắc. Quan trọng nhất là cần thêm đường băng. Để xây dựng đường băng để cho máy bay lớn hạ cất cánh được thì phải dài gần 4km. Như vậy, cần giải phóng đến 140.000 hộ dân và chi phí giải phóng mặt bằng gần 9 tỷ USD. Đây có thể coi là việc bất khả kháng mà sân bay vẫn vướng ở trong khu đô thị.

Về nguồn vốn huy động xây dựng sân bay Long Thành khá phong phú gồm 3 nguồn: nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài. GS Lã Ngọc Khuê lưu ý, dù huy động các nguồn vốn như thế nào, cũng cần phải nhấn mạnh, sân bay Long Thành sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước.

Cũng theo GS. Lã Ngọc Khuê, để cạnh tranh với các sân bay lớn ở các nước bên cạnh, phải làm thế nào để sân bay Long Thành có yếu tố trội như: đường băng đủ dài, mở ra dịch vụ phi hàng không (mua sắm, nhà hàng, khách sạn hàng không, khu đô thị hàng không..) để thu hút các đối tác và khách du lịch. Việt Nam cần có sự kết nối hạ tầng, giao thông tiếp cận, có tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, tạo nên hệ thống đồng bộ, liên hoàn, tạo điều kiện phát triển cho kinh tế du lịch của Việt Nam.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất