Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 21/11/2008 23:14'(GMT+7)

Dự báo tốt là tiền đề thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tinh thần chỉ đạo đó được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quán triệt trong bài phát biểu trước đông đảo lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư 63 tỉnh, thành, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tham dự Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, diễn ra sáng nay (21/11) tại Hà Nội.

Chủ động ngăn chặn suy giảm đà tăng trưởng kinh tế

Điểm lại tình hình toàn cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2008, phân tích những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nhiều mặt của nền kinh tế trong nước – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tới vai trò, nhiệm vụ của ngành Kế hoạch thời gian vừa qua. “Trong bối cảnh đó, với các kế hoạch, giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, đất nước vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ: dần ổn định được các cán cân kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, vùng bị thiên tai, bão lũ” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Để có thể đưa ra những thông tin dự báo mới về nền kinh tế thế giới và trong nước 2 tháng cuối năm cũng như năm 2009, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đi sâu thảo luận và xây dựng những kịch bản cụ thể, hiệu quả để tham mưu cho Chính phủ cũng như chính quyền từng địa phương lựa chọn giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp. “Mục tiêu tổng quát của năm 2009 là không để lạm phát trở lại, kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là nhiệm vụ mới: chủ động ngăn chặn suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý”, Thủ tướng nêu rõ định hướng.

Mục tiêu cụ thể được Thủ tướng nhấn mạnh, đó là quyết tâm đạt mức tăng trưởng khá (6,5%) trong bối cảnh thế giới được dự báo bước vào thời kỳ suy thoái với mức tăng trưởng chung 2,2%. Đồng thời kiên định mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội toàn giai đoạn 2006-2010 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trên cơ sở đó, trong Dự thảo Nghị quyết điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sắp trình Chính phủ tới đây, các cơ quan tham mưu kế hoạch sẽ tập trung rà soát, đề xuất các nhóm giải pháp tổng quát cùng những giải pháp mới như giảm tỷ trọng đầu tư từ NSNN, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, khuyến khích mạnh đầu tư, xuất khẩu, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội bằng những chính sách mới như bảo hiểm thất nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm nghèo.

Duy trì đà tăng trưởng hợp lý

Trọng tâm thảo luận tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư năm nay là báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009. Tại đây, các ý kiến đều thống nhất khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2008, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 có xu hướng chậm lại, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã điều chỉnh và so với các năm trước, song vẫn đạt mức 6,7%. Đây là một thành quả không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái.

Đáng mừng hơn, khi trong năm 2008 này, các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện một cách rốt ráo và đạt được những kết quả nhất định: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần từ tháng 6/2008, chỉ còn tăng 0,18% trong tháng 9 và thậm chí đã giảm 0,19% trong tháng 10. Tuy so với tháng 12 năm ngoái, CPI của tháng 10 vẫn tăng 21,69% và dự báo, CPI cả năm sẽ tăng khoảng 22% - vẫn là một mức cao, song đã thấp đáng kể so với mức dự báo chỉ cách đây ít lâu (24%).

Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, tiền tệ tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng lên, nhập siêu giảm dần; nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn cho phép. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tiếp tục tăng cao cả về số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, năm 2009, nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết là ảnh hưởng của tình trạng lạm phát cao của năm 2008, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn ở mức thấp... Sau đó là những ảnh hưởng tiêu cực do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mang lại, dự báo có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI và ODA, cũng như giải ngân hai nguồn vốn này...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý và chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2009. Chính vì thế các chính sách điều hành cần hết sức chặt chẽ và linh hoạt, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tín dụng./.



(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất