Trong chương trình thăm chính thức New Zealand, sáng 11/3, (giờ địa phương), tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tọa đàm với doanh nghiệp New Zealand nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam - New Zealand.
Buổi tọa đàm do Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội đồng kinh doanh
ASEAN - New Zealand phối hợp tổ chức.
Cùng dự buổi tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành
Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa
phương.
Về phía New Zealand có Thị trưởng thành phố Wellington, Thị trưởng thành
phố Palmerston North; Đại sứ New Zealand tại Việt Nam và đông đảo đại
diện các hiệp hội, cơ quan, doanh nghiệp New Zealand tham dự.
Tại buổi tọa đàm, sau khi được giới thiệu về tình hình phát triển
kinh tế - xã hội, nhất là các tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam,
lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand đã giới thiệu về năng lực
và khả năng, nhu cầu, mong muốn, dự định hợp tác đầu tư kinh doanh tại
Việt Nam.
Trong đó, phía New Zealand quan tâm về chính sách thu hút đầu tư của
Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng; nhu cầu và khả năng hợp tác
trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; nhập khẩu
thực phẩm; hợp tác trong đào tạo, cung cấp điều dưỡng viên chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi; hợp tác chống biến đổi khí hậu; vận chuyển xanh,
giảm thải carbon, chuyển đổi năng lượng; phát triển nông nghiệp bền
vững…
Sau khi các bộ trưởng giải đáp, trao đổi, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính phát biểu làm rõ các nội dung, trả lời các vấn đề mà các cơ
quan, doanh nghiệp New Zealand quan tâm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành
tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp New
Zealand hợp tác, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam và với Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau gần 50 năm, quan hệ Việt Nam - New Zealand
đã đạt những bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên,
dư địa hợp tác còn rất lớn. Do đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng New
Zealand, hai bên đã thảo luận, nhất trí thúc đẩy hợp tác.
Trong đó, hai bên tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến
lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan
hệ song phương; tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột
hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm
kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao
lưu nhân dân; tăng tốc và bứt phá trong hợp tác các ngành mới nổi như
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế
số, phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục,
đào tạo…
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành
nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở
thành nước phát triển, có thu nhập cao. Hiện nay Việt Nam đang tập trung
thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng
chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó,
theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai bên còn
rất nhiều dư địa.
Nhận định cản trở, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là
khoảng cách về địa lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để khắc phục,
thời gian tới hai bên nghiên cứu mở đường bay thẳng để tạo điều kiện
thuận lợi hơn cho việc giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điện
tử và các phương thức kết nối mới…
Thủ tướng đề nghị chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp
New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với
Việt Nam; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại
song phương, các khuôn khổ hợp tác, hiệp định thương mại tự do thế hệ
mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định
thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand
(AANZFTA), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)… mà
hai bên cùng tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào
thị trường mỗi bên; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với
hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị nâng cao hiệu quả hoạt động
của Uỷ ban Liên Chính phủ và các cơ chế đối thoại giữa chính phủ và
cộng đồng doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy đối thoại, kết nối với cộng
đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh ASEAN - New Zealand phát
huy hơn nữa vai trò là cánh tay nối dài giữa Chính phủ và cộng đồng
doanh nghiệp hai nước.
Khẳng định chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam
là có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa
học công nghệ và bảo vệ môi trường, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp
New Zealand hợp tác đầu tư với Việt Nam bằng các chương trình, dự án cụ
thể trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,
kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện
điện tử, ô tô điện, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới như hydrogen,
năng lượng tái tạo, khoáng sản thiết yếu, trung tâm tài chính, tài chính
xanh, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thêm cộng đồng người Việt Nam tại
New Zealand có khoảng 15.000 người, trong đó nhiều người hoạt động trong
lĩnh vực thương mại, đầu tư. Do đó, đề nghị phía New Zealand tiếp tục
hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh
hiệu quả tại New Zealand, qua đó tham gia sâu rộng và thực chất hơn vào
các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, hợp tác kinh tế -
đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, đột phá trong
quan hệ hai nước, là động lực giúp hai nước cùng vượt qua khó khăn,
thách thức để phát triển, để mỗi nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng,
người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Theo Thủ tướng, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”,
Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh
nghiệp; cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện
thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp
New Zealand nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững
tại Việt Nam./.
TTXVN