Tại Diễn đàn, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có bài phát biểu với chủ
đề “Vai trò của quân đội trong quản trị toàn cầu”, là một trong bốn
trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn năm nay.
Trong bài
phát biểu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, quản trị toàn cầu là
những cơ chế, thể chế hợp tác trên phạm vi khu vực và toàn cầu để quản
lý thế giới tốt hơn. Các cơ chế hợp tác này không chỉ giúp cho các quốc
gia tìm kiếm cơ hội cùng phát triển, mà còn để giải quyết các bất đồng,
tranh chấp và xung đột giữa các bên.
Quan trọng hơn, khi tham
gia vào hợp tác quản trị toàn cầu, các quốc gia bên cạnh việc thúc đẩy
lợi ích của quốc gia mình, còn phải phát huy vai trò trách nhiệm tập
thể, hợp tác chặt chẽ với nhau để dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc với
lợi ích chung của cộng đồng, khu vực và thế giới, tuân theo luật pháp
quốc tế và những luật chơi chung để mang lại công bằng và lợi ích cho
tất cả các bên.
Thượng tướng khẳng định trong một thế giới có
nhiều biến động, thay đổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức như vậy,
các nước không có lựa chọn nào tốt hơn là cùng nhau hợp tác một cách
thực tâm, thực chất, dung hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích khu
vực và quốc tế.
Cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm chung và
phát huy vai trò các nhân tố trong hợp tác xử lý các vấn đề quản trị
toàn cầu, trong đó có vai trò của quân đội. Quân đội hiện nay không chỉ
có vai trò giới hạn là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi
ích quốc gia dân tộc mình mà còn có trách nhiệm thúc đẩy cùng nhau hợp
tác, một mặt duy trì môi trường an ninh có lợi cho hòa bình, ổn định
chung, tăng cường lòng tin, nâng cao năng lực, mặt khác cùng nhau kiềm
chế, kiểm soát căng thẳng, ngăn ngừa xung đột để giải quyết tranh chấp,
bất đồng.
Trên thực tế, quân đội các nước đang nỗ lực vì mục
tiêu chung này, cụ thể như: hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ đang ngày
càng có sự tham gia của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đến hợp tác
quốc phòng-an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển mạnh
mẽ, nhất là trong vòng một thập niên trở lại đây, với các cơ chế hợp tác
khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội
nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu
vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri La, Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản, Diễn đàn
Seoul… và Diễn đàn Hương Sơn này.
Tất cả đều hướng tới thúc đẩy
xây dựng lòng tin chiến lược, xây dựng nhận thức chung về những nguy
cơ, thách thức về an ninh đang nổi lên, tạo ra những cơ chế hợp tác hiệu
quả trên thực tế.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh là quốc
gia ngày càng phát triển và giàu mạnh hơn, nước chủ nhà cần đóng vai
trò trách nhiệm lớn hơn, hợp tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế và khu
vực, phát huy hơn nữa vai trò tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác
quốc tế, đóng góp cho quản trị toàn cầu trên cơ sở tôn trọng luật pháp
quốc tế, gắn lợi ích của Trung Quốc với lợi ích chung của khu vực và thế
giới.
Như vậy, các nước có thêm những dàn xếp và thỏa thuận an
ninh khu vực, hỗ trợ cho luật pháp quốc tế, cũng như các thỏa thuận đã
ký kết như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung
Quốc và ASEAN và tiến tới sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC) để duy trì luật pháp, hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như
trong khu vực và toàn thế giới.
Với chủ đề “Tăng cường đối thoại
hợp tác an ninh, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”, diễn đàn Hương Sơn
năm nay đã thu hút sự tham gia của gần 400 quan chức quân đội, chuyên
gia, học giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn đàn lần này đi
sâu thảo luận các vấn đề như “Hợp tác ứng phó với thách thức an ninh mới
tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, “Vai trò của quân đội trong quản
lý toàn cầu”, “Hợp tác an ninh trên biển”, “Mối đe doạ khủng bố quốc tế
và biện pháp ứng phó”.
Diễn đàn Hương Sơn do Viện Khoa học Quân
sự Trung Quốc phối hợp với Viện Chính sách Quốc tế Trung Quốc tổ chức,
lần thứ nhất diễn ra cách đây 10 năm.
(TTXVN)