Việc ASEAN ra
Tuyên bố về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao lần thứ
24 vừa diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã được nhiều nhà lãnh
đạo, các chuyên gia, học giả và báo chí quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định ASEAN cần phải có quan điểm
về tình hình hiện nay ở Biển Đông vì an ninh, ổn định của khu vực phụ
thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này. Theo ông, ASEAN cần thể
hiện quan điểm chung về tình hình Biển Đông vì các cuộc xung đột “xảy ra
ngay tại cửa ngõ của chúng ta."
Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông hài lòng
vì sự “đồng thuận” của các nhà lãnh đạo ASEAN và bản tuyên bố chung.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói với Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng rằng Indonesia có thể giúp điều phối liên lạc giữa Hà Nội và
Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, không để căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một lập
trường chung cứng rắn về tình hình căng thẳng ở Biển Đông mà ASEAN đưa
ra. Một tuyên bố riêng về Biển Đông có ý nghĩa quan trọng vì nó thể hiện
sự ủng hộ đối với Việt Nam.
Ông Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á và là giáo sư danh dự Học viện
Quốc phòng Australia, nêu rõ: "Tuyên bố mà các Ngoại trưởng ASEAN đưa
ra là văn bản độc lập và không bị khuất lấp trong tuyên bố chung dài hơn
của hội nghị. Điều này rất có ý nghĩa. Nó nêu bật sự đoàn kết của ASEAN
trước thực tế rằng những diễn biến hiện nay ở Biển Đông là nguồn gốc
gây quan ngại nghiêm trọng bởi nó làm gia tăng căng thẳng.”
Phân tích của hãng tin AFP chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng ASEAN đã
lập nên “mặt trận thống nhất” nhằm phản đối hành động đơn phương của
Trung Quốc ở Biển Đông./.
(TTXVN)