NHỮNG THÔNG TIN LỆCH LẠC, XUYÊN TẠC
Lý do thành lập Quỹ Vaccine
phòng, chống COVID-19 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rất rõ trong
bài phát biểu của mình và người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu
về Việt Nam đều nắm rõ. Vậy mà một số tờ báo nước ngoài lại đăng tin
khiến người đọc có thể nghĩ sai về một chủ trương đúng đắn của Đảng và
Nhà nước ta. Tờ The Korea Times ở Hàn Quốc viện dẫn nguồn tin giấu tên
nói rằng quỹ vaccine đẩy một số tập đoàn, công ty của nước này đang hoạt
động ở Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, với ngôn
từ chua ngoa, thiếu hiểu biết, tờ The Sun ở Anh thì lu loa rằng Việt Nam
gửi tin nhắn “xin” người dân góp tiền mua vaccine. Đó là những thông
tin hoàn toàn lệch lạc, xúc phạm tới nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân
dân Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.
Người Việt Nam có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.
Việt Nam có gây khó cho doanh nghiệp nước ngoài khi thành lập Quỹ
Vaccine phòng, chống COVID-19 hay không? Xin khẳng định là không! Chẳng
những thế, Việt Nam còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ để các doanh nghiệp,
kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vượt qua khó khăn.
Nên nhớ rằng, theo Quyết định số 1210/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành
ngày 9/2/2021, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 ngay khi vaccine về Việt Nam thì các công nhân thuộc nhóm đối tượng ở
cuối (thứ 11 - người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ). Trong khi nhiều
đối tượng ở nhóm cao hơn như cán bộ quản lý, phóng viên, bộ đội, công
an... rất nhiều người còn chưa được tiêm vaccine, song với quan điểm
“bảo vệ thành trì của sản xuất”, ngay cả các doanh nghiệp không (hay
chưa) tham gia quỹ vaccine, Việt Nam vẫn rất quan tâm, chủ động
tiêm vaccine cho công nhân trong vùng dịch nguy hiểm. Từ ngày 28/5,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tiêm vaccine cho
600 công nhân trong tổng số hơn 3.000 cán bộ, công nhân Tập đoàn Khoa
học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) được ưu tiên tiêm vaccine đợt đầu. Ngay
sau đó, từ ngày 1/6, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã triển khai tiêm vaccine
phòng COVID-19 cho 15.000 công nhân, người lao động tại Công ty Samsung
Electronics Việt Nam - một công ty FDI của Hàn Quốc. Các báo Việt Nam cũng
đăng tin rộng rãi rằng, theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Bắc Ninh được phân
cấp 28.000 liều vaccine, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch
COVID-19, đồng thời để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính
phủ đã chỉ đạo tiêm vaccine cho công nhân và người lao động của các khu
công nghiệp. Riêng Bắc Ninh đã được Bộ Y tế cấp bổ sung lên thành
150.000 liều vaccine, trong đó có 90.000 liều dành cho công nhân, người
lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Như vậy, chưa cần nhờ đến sự đóng góp của các tập đoàn nước ngoài,
Việt Nam đã sớm chủ động điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine cho đối
tượng là công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, bao
gồm cả doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI cũng chẳng cần phải băn
khoăn “tiến thoái lưỡng nan” nghĩ rằng nếu không đóng góp thì công nhân
của họ không được tiêm vaccine hoặc họ bị gây khó dễ. Việc chủ động tiêm
cho công nhân và người lao động trước khi Lễ phát động Quỹ Vaccine
phòng, chống COVID-19 diễn ra (5/6) là minh chứng rõ ràng.
TRUYỀN THỐNG CAO ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Việc thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là một chủ trương
lớn của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy
động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch. Ngay từ
những ngày đầu, Việt Nam đã chủ trương “chống dịch như chống giặc”. Nói
đến “đánh giặc” hay “chống giặc” ở đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến
tranh như Việt Nam thì ai cũng hiểu tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh” hay “xe chưa qua, nhà không tiếc”... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã
tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống
quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh
thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn,
nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn...”. Trong các cuộc kháng chiến,
người dân Việt Nam đồng lòng, tự nguyện đóng góp vào “hũ gạo kháng
chiến”, "tuần lễ vàng"... thì thời bình ngày nay, tinh thần ấy vẫn tiếp
tục được phát huy. Hằng năm, rất nhiều loại quỹ được mọi tầng lớp nhân
dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ. Mỗi khi có thiên tai, tinh thần “nhường
cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” lại được nhân lên gấp bội.
Trở lại chuyện tờ báo của Anh đăng tin thất thiệt. Trong thời đại
công nghệ thông tin, truyền thông phát triển như hiện nay, việc một
chính phủ hay các tổ chức gửi tin nhắn tới người dân đã trở nên quá bình
thường. Việt Nam có mô hình chống dịch COVID-19 thành công và được
nhiều cơ quan báo chí quốc tế lớn đăng tin cũng một phần nhờ người dân
được nhắc nhở chấp hành khuyến cáo “5K” qua tin nhắn và nhạc chờ điện
thoại. Các tin nhắn nhắc công dân đi bầu cử, thực hiện dân chủ, quyền
công dân hay các tin nhắn cảnh báo đề phòng lừa đảo trên mạng... vẫn
được gửi tới mọi người dân khi cần. Do vậy, việc gửi thông điệp “5K +
vaccine + công nghệ” hay kêu gọi đồng bào tự nguyện đóng góp cho Quỹ
Vaccine phòng, chống COVID-19 dịp này vừa có ý nghĩa nhắc nhở người dân
về cuộc chiến "chống giặc" COVID-19 để tiếp tục thực hiện các biện pháp
phòng ngừa, vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, đồng thời thể hiện
sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam. Có lẽ, nếu xem trực tiếp
hình ảnh những học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng, các cụ già dành dụm
lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm tiền chi tiêu... để đóng góp vào Quỹ
Vaccine phòng, chống COVID-19 trong ngày ra mắt quỹ sẽ khiến các phóng
viên nước ngoài hiểu đúng về Việt Nam.
BÀI HỌC ĐƯỢC NÊU TRONG VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VÀ BÁO CHÍ QUỐC TẾ
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra một bài học quý giá
được nêu trong văn kiện đại hội: “Từ thực tiễn công tác phòng, chống
dịch COVID-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết,
nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay
hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế
trận lòng dân", an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn
hóa dân tộc ta”.
Chúng ta hẳn có nhớ, năm ngoái, tờ The New York Times của Mỹ trong
bài viết có tựa đề “Việt Nam-điều thần kỳ mới của châu Á?" đã nhận xét
rất đúng rằng một trong những "chìa khóa thành công" của Việt Nam là
tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện qua những nỗ lực,
giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tinh thần đoàn kết dân tộc... Tờ báo này
còn nhấn mạnh, nhắc lại việc người dân Việt Nam đã “thực hiện tốt lời
kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân
tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn,
thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Trong lời kêu gọi toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân từ ngày 31/3/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng cũng khẳng định: "Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân
nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân
lên gấp bội”.
Reuters, hãng truyền thông quốc tế lớn, khi đưa tin về Đại hội XIII
cũng đồng quan điểm đó và nhấn mạnh, với việc Việt Nam ngăn chặn được
COVID-19, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phát huy vai trò là một trung tâm
sản xuất chủ chốt của các tập đoàn toàn cầu như: Samsung, Foxconn và
Intel... Rõ ràng là với việc tích cực hỗ trợ các con “sếu đầu đàn” của
nền kinh tế trong các chiến dịch tiêm vaccine hiện nay, một lần nữa
khẳng định sự nhất quán trong chính sách, sự quan tâm sâu sắc của Đảng,
Nhà nước Việt Nam. Ai đó cho rằng, chỉ vì quỹ vaccine mà gây khó cho
doanh nghiệp nước ngoài quả thật chẳng những nói sai sự thật mà còn thấy
cây mà chẳng thấy rừng!
Đại dịch COVID-19 là một trận chiến cam go mà người dân Việt Nam và
nhiều nước khác phải đối mặt. Thế nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử
sức”, tinh thần đoàn kết xung quanh Đảng và Nhà nước của người dân Việt
Nam là một truyền thống quý báu, sẽ tạo nên sức mạnh để Việt Nam vượt
qua mọi khó khăn, thử thách. Tinh thần ấy đã giúp Việt Nam làm nên kỳ
tích chống chọi với đại dịch Covid-19 trong suốt hơn một năm qua với số
ca nhiễm thấp và vẫn tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, thực hiện thành công
mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tình hình dịch
COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài nên việc thành lập Quỹ
Vaccine phòng, chống COVID-19 với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực
đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết.
Quỹ nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản
xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân
trên nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh
bạch và đúng quy định của pháp luật, thuận lợi nhất cho việc đóng góp.
“Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của
trái tim kết nối trái tim”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định
tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19. Đó là sự nhân ái Việt
Nam, đoàn kết Việt Nam, niềm tin Việt Nam mà những ai không biết hoặc cố
tình hiểu sai, xuyên tạc thì nên "dựa cột mà nghe"!./.
Nguyễn Ngọc Hưng (qdnd.vn)