Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Du lịch của Đồng Nai có nhiều nhiều tài nguyên được đánh giá là khá phong phú, đa dạng như rừng, núi, sông hồ, thác… Nhắc đến du lịch Đồng Nai, có thể kể đến những điểm đến hấp dẫn như Vườn quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng quy hoạch là điểm du lịch quốc gia; núi Chứa Chan – “đệ nhị thiên sơn” đất Nam bộ; hồ Trị An, thác Mai, thác Giang Điền, hay sông Đồng Nai nối liền các danh thắng từ thượng nguồn hùng vĩ tới đất Biên Hòa nhiều mốc son lịch sử. Trong 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã để lại những nét truyền thống văn hóa đặc sắc, cũng là vùng đất giảu truyền thống cách mạng với những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng. Toàn tỉnh có 57 di tích cấp tỉnh và quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh; ngoài ra còn có trên 1.000 di tích phổ thông khác.
Du lịch Đồng Nai cũng có lợi thế lớn với mạng lưới giao thông thuận lợi, nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Tương lai gần sẽ có Sân bay quốc tế Long Thành và nhiều tuyến cao tốc như Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Dầu Giây – Phan Thiết. Với nhiều lợi thế, Đồng Nai sẽ là một điểm đến du lịch đầy hứa hẹn.
Với những lợi thế của mình, Đồng Nai hiện có 21 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tham quan, vui chơi giải trí, tín ngưỡng, văn hóa. Để đáp ứng nhu cầu du khách, Đồng Nai có 127 cư sở lưu trú du lịch, 11 doanh nghiệp lữ hạnh, 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 5 chi nhánh văn phòng đại diện du lịch…
Xác định du lịch là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai có kế hoạch số 118-KH/TU ngày 7/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở phấn đấu đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái đồng thời cũng phát triển nhiều loại hình du lịch khác mà Đồng Nai có điều kiện và thế mạnh.
Theo ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Đồng Nai, những năm qua, từ việc cụ thể hóa kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch; quy hoạch, mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch với chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du dịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ… “Nhờ đó, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Đồng Nai luôn đạt những con số ấn tượng, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015 – 2019 đạt 10,5%/năm, doanh thu tăng trung bình tằng 14,6%/năm. Gần đây nhất, năm 2018 lượng du khách đến du lịch tại Đồng Nai đạt khoảng 4 triệu lượt, doanh thu trên 2.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 2,5 triệu lượt khách đến Đồng Nai, dự báo cả năm sẽ vượt qua con số 4 triệu của năm 2018”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Đồng Nai Lê Kim Bằng cho biết.
Du lịch sinh thái là sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai
Đồng Nai lâu nay vẫn được biết đến là một tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, thu hút FDI, trong lĩnh vực nông nghiệp là tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Song với du lịch, có thể nói Đồng Nai có phần “lép vế” với một số địa phương lân cận như Vũng Tàu, Bình Thuận có du lịch biển, Đà Lạt (Lâm Đồng) có du lịch nghỉ dưỡng… Do đó, Đồng Nai buộc phải chọn cho mình hướng đi riêng biệt để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch. Đó là du lịch sinh thái.
Điểm qua các khu, điểm du lịch trên đã hoạt động và đang trong quá trình xây dựng tại Đồng Nai, có thể thấy phần nhiều là loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể kể đến các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như: Bửu Long, Thác Giang Điền, Suối Mơ, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tôn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chưa kể hàng loạt các dự án du lịch sinh thái khác được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đang được khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ du khách.
Là một điểm đến khá lâu đời ở Đồng Nai, nhưng những năm vừa qua, khu du lịch Bửu Long tiếp tục bổ sung nhiều tỷ đồng đầu tư, cải tạo cảnh quan, mở rộng thêm nhiều dịch vụ, và đặc biệt tập trung khai những tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đầu tư thát triển Bửu Long cho biết: “Chúng tôi xác định lấy môi trường và không gian thiên nhiên làm chủ đạo, làm sao để cảnh quan đẹp nhưng không gian danh thắng không bị phá vỡ. Chúng tôi xác định Bửu Long sẽ là một kỳ nghỉ ngắn hạn, trong ngày, là điểm trung chuyển để du khách có thể đến thăm quan tìm hiểu di tích lịch sử, thăm quan khám phá sông, rừng ở Đồng Nai”
Có sông, có rừng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tuyến du lịch đường sông dài 91km đã được khai trương giai đoạn 1, hứa hẹn kết nối các danh lam thắng cản của Đồng Nai, gắn liền với sông và rừng. Tuyến du lịch này chạy dọc theo dòng Đồng Nai, nối liền từ TP. Hồ Chí Minh, hành trình kết nối với hàng loạt các điểm đến lịch sử văn hóa, thiên nhiên như chùa Ông, Văn miếu Trấn Biên, chùa Bửu Phước, làng bưởi Tân Triều, hồ Trị An, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và kết thúc ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuyến du lịch này đang được khẩn trương hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm mới mẻ, thú vị thu hút khách du lịch.
Nếu như du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên trước đây thường chỉ thu hút khách quốc tế đến trải nghiệm, thì nay du khách trong nước đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm cho loại hình du lịch này, đặc biệt là giới trẻ. Trong mỗi chuyến đi rừng, du khách có cơ hội hòa mình với thiên nhiên trong lành; cắm trại đón bình mình; sống, thưởng thức các món ăn dân dã, đặc trưng của đồng bào dân tộc… Những nhu cầu trải nghiệm này du khách hoàn toàn có thể tìm thấy được ở Đồng Nai.
Dù vậy, để du lịch Đồng Nai “cất cánh” thì tỉnh sẽ còn nhiều việc phải làm để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Dù có nhiều lợi thế, song du lịch Đồng Nai còn nhiều hạn chế như hạ tầng du lịch còn thiếu, sơ sài; vướng mắc về cơ chế kêu gọi đầu tư, xã hội hóa, đặc biết là vấn đề đất, cho thuê đất; khả năng liên kết giữa các đơn vị làm du lịch.
Xuân Lượng