Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 3/8/2008 0:46'(GMT+7)

Đưa Thái Nguyên trở thành một trọng điểm công nghiệp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, những năm qua kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và tăng trưởng khá toàn diện, GDP năm 2006 tăng 11,86%, năm 2007 tăng 12,46% và 6 tháng đầu năm 2008 đạt 12,22%, phấn đấu cả năm 12,5-13%.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện rà soát, dãn tiến độ và đình hoãn 10 dự án với số tiền đầu tư 37 tỷ đồng, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trên cơ sở Thái Nguyên là một tỉnh có tiềm năng công nghiệp lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng cao, đã sớm hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp; công nghiệp chiếm tỷ trọng 38% trong GDP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy các lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu để đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. " Thái Nguyên có đủ nguồn lực, từ nguyên liệu, hạ tầng đến nguồn nhân lực tại chỗ. Tuy nhiên, trong việc chuyển dịch cơ cấu phải chú ý tới vấn đề môi trường, quy hoạch đất phải tính đến bài toán an ninh lương thực khi 2/3 diện tích đất hiện nay vẫn phục vụ nông nghiệp ", Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh về đường hướng phát triển.

Thái Nguyên còn là một trung tâm giáo dục đào tạo nên cần phát huy ưu thế này để Thái Nguyên trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho rằng đây là lợi thế rất lớn của tỉnh, nhất là khi công nghiệp thu hút được nhiều nhà đầu tư. Vì thế, Thái Nguyên cần định hướng phát triển theo hướng chuyển sang các ngành công nghệ có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn. Thái Nguyên cần kiên quyết định hướng cho các nhà đầu tư hướng vào chế biến sâu, nội địa hóa.

Đối với một số kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng ghi nhận và kết luận ngay một số vấn đề về vốn cho hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, hồ chứa nước Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) trên tinh thần huy động tối đa hóa các nguồn lực, linh hoạt trong việc tạo vốn; đồng ý nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Thái Nguyên, các KCN, quy hoạch điện mới phục vụ phát triển công nghiệp - đô thị. Đối với Nhà máy xi măng Thái Nguyên - 1 dự án trọng điểm của tỉnh sẽ được đáp ứng về vốn để dự án này sớm đi vào sản xuất./.

- Thái Nguyên là tỉnh miền núi, diện tích 3.541 km2, dân số 1,2 triệu người với 8 dân tộc.

- Thái Nguyên có tiềm năng công nghiệp lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng cao; tỉnh có 4 KCN lớn, 25 khu, cụm CN vừa và nhỏ, công nghiệp chiếm tỷ trọng 38% GDP, thương mại dịch vụ 38% và nông, lâm nghiệp 24%.

Thái Nguyên còn là một trung tâm giáo dục và đào tạo với trên 20 trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề, đứng thứ 3 toàn quốc.


(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất