Năm
2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với
năm 2015, nhưng so với cùng kỳ lại diễn biến phức tạp. Thực tế này tạo
nên tâm trạng “vừa mừng, vừa lo” trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân.
Vừa mừng, vừa lo
Mừng
vì tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm trên tất
cả các mặt. Từ số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 5,4%) và số đoàn đông người
(giảm 9,6%) đến tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 10,6%)… Nhưng
lo bởi lẽ, so với cùng kỳ năm 2015 thì lại tăng 31,3% số đơn tố cáo và
tăng 2,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính
nhà nước. Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Pháp luật nêu thực tế: Trong
năm qua số lượng khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, nhiều vụ việc cũ chưa
giải quyết xong lại phát sinh khiếu nại, tố cáo mới. Về cơ cấu, lĩnh vực
khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước. Nội dung
các khiếu nại chủ yếu là đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã
hội. Còn về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp
luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây
dựng cơ bản.
Điều mà các thành viên UBTVQH quan tâm
và tập trung phân tích tại Phiên họp sáng qua là: Nguyên nhân nào dẫn
tới tình trạng nêu trên?
Trong các
nguyên nhân chủ yếu được nêu trong Báo cáo của Chính phủ có nguyên nhân
do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi nhưng chưa giải
quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người sử
dụng đất. Mặt khác, việc sửa đổi chưa đồng bộ, quy hoạch đất đai chưa
được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, khoa học với các loại quy hoạch
phát triển khác có liên quan, khó thực thi, thậm chí có phần mâu thuẫn
giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Tuy
nhiên, trái với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn
Giàu cho rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các quy định của pháp
luật. Đơn cử, liên quan đến quy hoạch, Luật Đất đai năm 2013 đã dành hẳn
một chương về quy hoạch đất đai, rất cụ thể. Trong chương này, điểm mới
và cũng là linh hồn trong việc quy hoạch đất đai so với Luật
cũ chính là phải lấy ý kiến nhân dân, công khai thông tin. Ngoài ra,
Luật cũng có những quy định mới về giá đất phải thực hiện theo nguyên
tắc là giá phổ biến của thị trường, hay với thu hồi đất, Luật yêu cầu
phải bố trí tái định cư và tổ chức sản xuất ổn định cho người dân rồi
mới thu hồi đất… Vậy những điểm mới này đã được thực thi thế nào trên
thực tế? Trong khi đó, ngay từ năm 2012 (khi chưa có Luật Đất đai năm
2013), qua giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến các quyết
định hành chính trong lĩnh vực đất đai, ngoài nguyên nhân do quy định
của pháp luật, thì một phần rất lớn được chỉ ra là do tổ chức thực hiện,
vận dụng luật khác nhau ở các địa phương. Chính điều này đã tạo ra mâu
thuẫn lớn và hiệu ứng lây lan trong khiếu nại, tố cáo, từ huyện này sang
huyện kia, tỉnh này qua tỉnh kia. Những bất cập, hạn chế này đã được
Luật Đất đai mới lường trước và xử lý bằng nhiều quy định. Do vậy, nếu
báo cáo của Chính phủ đưa ra nguyên nhân do chính sách, pháp luật lúc QH
chưa sửa đổi Luật Đất đai thì đúng, nhưng nếu đặt trong thời điểm hiện
nay (sau khi có Luật Đất đai 2013) thì cần xem lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư
pháp Lê Thị Nga chỉ rõ
Chỉ rõ địa chỉ
Theo
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại, tố
cáo diễn biến phức tạp là do chưa được giải quyết triệt để ngay từ cơ
sở. Ở huyện không giải quyết được đương nhiên người ta sẽ lên tỉnh, lên
tỉnh không được sẽ lên Trung ương. Chỉ rõ thực tế này, Phó Chủ tịch QH
đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về số lượng khiếu nại, tố cáo năm
cũ tồn đọng bao nhiêu, phát sinh mới như thế nào, đặc biệt đối với đơn,
thư gửi trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và quan trọng nữa là phải dự
báo tình hình năm tới, đề ra biện pháp khắc phục và làm rõ trách nhiệm
chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan, nhất là trách nhiệm
của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Khi
nào người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện tiếp công
dân thì số lượng người đăng ký rất đông. Và số vụ việc được giải quyết,
thậm chí giải quyết trực tiếp ngay tại buổi tiếp rất lớn. Từ thực tế
giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân, Trưởng ban
Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã tổng kết như vậy. Nhưng, cũng qua thực tế
giám sát ở 6 tỉnh, thành vừa qua, Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải nhận
thấy, hầu hết Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện chưa thực hiện việc tiếp
công dân theo quy định của Luật. Cá biệt ở một số bộ, ngành, 3 - 4
tháng, Bộ trưởng mới trực tiếp tiếp công dân một lần. Trong khi đáng lẽ,
theo Luật Tiếp công dân, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp
tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1
tháng; với cấp huyện là ít nhất 2 lần trong 1 tháng; và cấp xã là ít
nhất 1 lần trong 1 tuần. Ngoài ra, cũng theo quy định của Luật này, Bộ
trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã còn phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất.
Đành rằng, người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành có thể ủy quyền cho
cấp phó tiếp công dân. Nhưng vấn đề là cấp phó không có thẩm quyền giải
quyết, do vậy việc tiếp công dân nhiều khi chỉ mang tính chất nhận đơn
cùng lời hẹn “sẽ báo cáo” và trả lời sau. Điều này ít nhiều giảm ý
nghĩa của quy định trực tiếp tiếp công dân. Trước thực trạng này, Phó
Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ
địa chỉ: Ai, cơ quan nào không thực hiện việc trực tiếp tiếp
công dân theo quy định của Luật. Như vậy thì mới có tác dụng. Bây giờ cứ
nói “một số nơi”, “một số đơn vị”, “một số ngành” thì QH nghe mãi rồi,
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thẳng thắn.
Khiếu
nại, tố cáo là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm trực tiếp đến
quyền, lợi ích của người dân. Từ những vấn đề nhỏ đến lớn, mong muốn
chung của người dân khi khiếu nại, tố cáo là được giải quyết nhanh, gọn,
hiệu quả và đúng. Và không loại trừ trường hợp người dân muốn cơ quan
có trách nhiệm giải quyết theo ý muốn chủ quan của họ, mà chưa chắc đã
đúng theo luật pháp. Tuy nhiên, giải quyết tốt vấn đề khiếu nại, tố cáo
của công dân sẽ góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ ổn định
tình hình chính trị đất nước. Do vậy, việc dành sự quan tâm và ưu tiên
hơn nữa cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh từ
việc bé bị xé ra to, là cần thiết và cấp bách. Muốn thế, mọi
việc khiếu nại, tố cáo nên được giải quyết từ gốc, dứt điểm từ cơ sở nơi
vụ việc phát sinh.
Anh Phương (daibieunhandan)