Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 21/10/2008 16:56'(GMT+7)

Duy trì sự tăng trưởng: Nhận diện khó khăn, thách thức

Trong sự chuyển động như vậy, Việt Nam vừa phải chủ động đối phó với những khó khăn vừa kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhận diện khó khăn và thách thức

Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ khởi đầu sự khủng hoảng trên thị trường tín dụng bất động sản trong thời gian qua vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Các tập đoàn tín dụng thế chấp đã được đặt trong tình trạng nguy cấp và phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp từ phía Chính phủ để tránh bị phá sản. Phần lớn các doanh nghiệp đều giảm sút lợi nhuận hoặc đối diện với tình trạng thua lỗ... Quá trình khủng hoảng này ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. IMF đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng chậm lại từ 5% năm 2007 còn 4,1% năm 2008 và 3,9% năm 2009. Trong đó, Mỹ tăng trưởng 1,3% năm 2008 và 0,8% năm 2009; các nước EU dự báo tăng trưởng 1,7% năm 2008 và 1,2% năm 2009; Dự báo Nhật Bản tăng trưởng khoảng 1,5% năm 2008... Bên cạnh đó, sức ép lạm phát tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ mở rộng để cứu thị trường tài chính và chống suy thoái kinh tế ở Mỹ, các nước EU, thiên tai dịch bệnh ở nhiều quốc gia cũng như những biến động phức tạp của giá dầu thô, giá lương thực thực phẩm trên thế giới. Từ những thực trạng đó, IMF đưa ra dự báo, lạm phát ở các nước phát triển dự kiến tăng từ 2,2% năm 2007 lên 3,4% năm 2008 và giảm xuống còn khoảng 2,3% năm 2009. Các nước đang phát triển tình hình lạm phát vẫn ở mức cao, tương ứng sẽ là 6,4%, 9,1%, 7,4%...

Cũng như các nước, Việt Nam đã và đang chịu tác động ảnh hưởng mạnh thông qua các quan hệ thương mại, đầu tư, luân chuyển vốn và lao động quốc tế với Mỹ, các nước EU, cũng như các nước trong khu vực. Từ cuối năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, gặp khó khăn, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế chậm lại, sự suy giảm mạnh của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản, tỷ lệ lạm phát tăng cao, cán cân thương mại thâm hụt lớn, tỷ giá hối đoái tăng giảm thất thường...

Trên cơ sở nhận thức rõ những tác động ảnh hưởng tiềm tàng và các nguy cơ, khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính và suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, để hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hướng đến tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung và dài hạn. Đồng thời, đã triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỷ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo. Những biện pháp đúng đắn này bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng 9 tháng đạt 6,52%; Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 493,2 tỷ nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2007; Giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm trong nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2007; Giá trị gia tăng các ngành dịch vụ tăng 7,23%, cao hơn GDP. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức cao, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; Nhập siêu 9 tháng đầu năm ở mức 15,828 triệu USD, bằng 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang trong xu hướng giảm dần. Thu hút đầu tư nước ngoài liên tục xác lập kỷ lục mới, trong 9 tháng đầu năm đạt 56,31 tỷ USD, nếu tính cả 855,7 triệu USD vốn đăng ký thêm của các dự án cấp phép năm 2007 thì tổng vốn đăng ký đạt 57,1 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2007. Cùng với đó, tốc độ lạm phát đã giảm dần xuồng từ mức 1,13% trong tháng 7 và mức 1,56% trong tháng 8 (so với mức bình quân 3% trong 6 tháng đầu năm); Các chính sách cắt giảm chi tiêu công đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư, với việc cắt giảm, ngừng triển khai hoặc giãn tiến độ thực hiện hàng loạt các dự án đầu tư công với tổng số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đồng thời tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách.


Tuy nhiên, với tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ còn có những tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam. Do đó khó khăn vẫn tiếp tục đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi cần phải nỗ lực phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới. Để giải quyết hài hoà mục tiêu kiềm chế lạm phát và hạn chế giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, cần xác định rõ các công cụ chính sách, thời điểm, mức độ và quy mô, phạm vi và đối tượng áp dụng phù hợp. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách phải phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả và chính xác.

Trong những tháng cuối năm 2008 và năm 2009, các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn sẽ phải chịu tác động đáng kể từ chính sách thắt chặt tiền tệ, chính sách giảm chi tiêu công và mức độ lạm phát cao. Ảnh hưởng mang tính dây chuyền của chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt sẽ khiến cho một bộ phận doanh nghiệp không tích luỹ đủ tiềm lực trước đó hoặc khả năng chịu đựng đã vượt quá giới hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ rơi vào thua lỗ, thu hẹp phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản. Việc thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ cũng có thể sẽ có tác động đến các thị trường chứng khoán và các thị trường tài sản. Sự phục hồi nhẹ của thị trường chứng khoán cũng chưa có dấu hiệu thực sự ổn định. Chính sách lãi suất cho vay cao để duy trì lãi suất thực dương trong bối cảnh lạm phát cao có thể vẫn tiếp tục gây khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng như các tầng lớp dân cư trong thời gian tới.

Trên tổng thể, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn thách thức đem đến từ những biến động của nền kinh tế thế giới và những hạn chế nội tại trong nước. Những chính sách thắt chặt tiền tệ một mặt góp phần kiềm chế lạm phát nhưng cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thị trường tài chính cũng bộc lộ những yếu kém cố hữu và đang ảnh hưởng gia tăng từ thị trường tài chính quốc tế. Môi trường kinh doanh Việt Nam đã liên tục được cải thiện nhưng vẫn có bước chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế và so với bước tiến của các nền kinh tế trong khu vực. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng Việt Nam tuy đã được tập trung đầu tư với tốc độ gia tăng hàng năm ở mức 15-16% gấp hai lần tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự tăng trưởng kinh tế. Những hạn chế về năng lực của cảng hàng không và cảng biển, của giao thông liên vùng và đô thị, của tình trạng thiếu điện... đã và đang là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Nguồn nhân lực Việt Nam tuy lớn về quy mô nhưng chất lượng còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trước đòi hỏi của yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế...

Khắc phục được yếu kém này đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh, thiết thực, có nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng đáp ứng của nền kinh tế; đặc biệt đòi hỏi cần có sự góp sức của toàn dân, của tất cả các thành phần kinh tế...

Giải pháp khắc phục khó khăn

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ, thắt chặt để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc và các công cụ thị trường mở cùng với việc cắt giảm chi tiêu công, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Về thị trường tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, quan điểm quản lý Nhà nước là không can thiệp vào thị trường mà tập trung vào thực hiện chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính để tránh rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính. Tiếp tục thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, xem xét thời điểm phù hợp của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các công ty, tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tập trung nâng cấp thị trường tín dụng bất động sản thông qua việc kiểm soát quy trình, giám sát nghiêm việc cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Giải quyết hợp lý bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với việc nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu công, tập trung cho an sinh xã hội, cần tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu chi đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Kết hợp với khu vực tư nhân nhưng tránh tránh đầu tư chồng chéo vào những lĩnh vực khu vực tư nhân có thể tự đầu tư và thu hồi vốn.

Tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp là yếu tố cơ bản và gốc rễ của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực các biện pháp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, lãi suất... Vai trò thúc đẩy, hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ cơ bản, hỗ trợ cung cấp đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đây là yếu tố quan trọng trong việc góp phần phát triển sản xuất, tăng cung và điều hoà thị trường trong nước. Tăng cường pháp chế, chống tham nhũng và đảm bảo thực thi pháp luật; Bảo đảm hệ thống hành chính hoạt động có chất lượng và hệ thống pháp luật thực thi có hiệu quả, tạo cú hích quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn, phát triển bền vững./.

 Đỗ Văn Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất