Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 17/6/2020 10:37'(GMT+7)

EVFTA giúp khai thông dòng chảy FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam

Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome về thời cơ và thách thức của Việt Nam khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh xét về cơ hội, dự kiến EVFTA sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 2-3% trong 5 năm đầu triển khai hiệp định, từ 4,5-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,0-7,7% cho giai đoạn 5 năm sau đó. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, giới phân tích đã điều chỉnh dự báo mức tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU so với trước thời điểm dịch bệnh, theo đó, có thể chỉ tăng khoảng 5% trong năm 2020, và bắt đầu tăng trở lại từ năm 2021

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, EU là đối tác FTA dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. EU sẽ cho phép 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và loại bỏ thuế với gần như tất cả các hàng hóa còn lại chỉ sau 7 năm. EU cũng là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Vào tháng 8 tới, khi những cam kết của EVFTA chính thức có hiệu lực cũng là lúc nền kinh tế EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung dự kiến sẽ bước vào một trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Trong cuộc chạy đua nhằm thu hút đầu tư thời COVID-19, EVFTA càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Sức mua của thị trường EU sau đại dịch chắc chắn sẽ còn suy yếu một thời gian dài. Trong khi đó, nguồn cung sẽ lại rất dồi dào, đặc biệt là khi các nhà xuất khẩu khác như Trung Quốc, các nước ASEAN khôi phục sản xuất, cộng với lượng hàng hóa bị ứ đọng từ nhiều tháng trước.

Trước tình trạng như vậy, EVFTA sẽ tạo ra nhiều lợi thế lớn, nhất là lợi thế về thuế quan, cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Việc nắm bắt được xu hướng mới của thế giới sau đại dịch, xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế bền vững sẽ tạo ra một giá trị gia tăng mới cho bất cứ bên nào trong một thế giới đầy biến động.

Theo Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh, mặc dù có khá nhiều cơ hội, nhưng các doạnh nghiệp Việt Nam sắp tới sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của EU. Các doanh nghiệp cần đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng châu Âu ngay từ khẩu vị, bao bì cho đến vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải gia tăng quy mô sản xuất, tăng cường hợp lực với nhau và cần đảm bảo sự minh bạch.

Đánh giá về yêu cầu đặc thù của thị trường Italy, ông Nguyễn Đức Thanh cho hay khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng tương tự như những vướng mắc khi hợp tác với các doanh nghiệp Italy. Đó là những vấn đề liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về chứng nhận, bao bì...

Bên cạnh đó, trong hợp tác thương mại với doanh nghiệp Italy, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn khác như môi trường pháp lý của Italy khá phức tạp; những sản phẩm liên quan sức khỏe, an toàn hoặc môi trường thường gắn liền với các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thậm chí còn cao hơn cả những yêu cầu cơ bản của EU. Ngoài ra, người Italy có truyền thống kinh doanh thương mại với các đối tác ở châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi, và thường sử dụng tiếng Italy trong giao dịch.

Hiện những công ty lớn của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp FDI đang có quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp đa quốc gia hay của Italy đã có thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, giá cả và mẫu mã hàng hóa vẫn chưa cạnh tranh được với hàng hóa của một số nước khác. Ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải am hiểu thị trường sản phẩm dự định xuất khẩu cũng như tìm hiểu thị phần của các đối thủ cạnh tranh đối với sản phẩm đó.

Về những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có thể tận dụng EVFTA để thúc đẩy phát triển hơn nữa tại thị trường Italy ngay khi EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết những mặt hàng triển vọng gồm có động cơ điện (được miễn thuế 100%); điện thoại, linh kiện (miễn thuế 98%), mật ong (EU sẽ xóa bỏ thuế và không áp dụng hạn ngạch thuế quan); giày dép (miễn thuế 43%); hàng dệt may, y tế, dược phẩm, máy móc thiết bị và phụ tùng, đồ gỗ; hàng thủy sản; nông sản (chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hoa quả...)

Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ không áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với gạo tấm nhập khẩu từ Việt Nam. Italy là quốc gia xuất nhập khẩu gạo khá lớn trong EU.

Theo Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh, gạo Việt Nam đang có tiềm năng xuất khẩu khá lớn sang Italy nhằm phục vụ cộng đồng người châu Á tại đây. Nguyên nhân là bởi gạo sản xuất ở Italy chỉ phù hợp cho việc chế biến các món ăn của quốc gia Nam Âu này, trong khi gạo Việt Nam lại phù hợp với người châu Á và không cạnh tranh trực tiếp với gạo sản xuất ở đất nước sở tại.

Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh cũng khẳng định Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy luôn sẵn sàng là cầu nối giao thương giữa hai nước, để các doanh nghiệp hai bên có thể nắm bắt được tình hình nước sở tại, đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất