Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Hai, 1/6/2020 15:34'(GMT+7)

EVNHCMC: Tiếp tục hỗ trợ khách hàng hòa lưới và mua bán điện mặt trời

Phóng viên (PV): Thưa ông, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà được tính như thế nào?

Ông Bùi Trung Kiên: Hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Chính phủ quyết định giá mua ĐMTNM là 1.943 VNĐ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tương đương với 8,38 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho các năm tiếp theo.

Giá mua điện này được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và có thời điểm vào vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện.

PV: Ông có thể nói rõ về thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán điện và trả tiền mua điện ĐMTMN ?

Ông Bùi Trung Kiên: Tổng công ty đã ủy quyền cho các Công ty Điện lực (CTĐL) ký kết hợp đồng mua bán điện ĐMTMN với các chủ đầu tư. Các CTĐL theo dõi, kiểm soát chỉ số và thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư lắp đặt ĐMTMN.

Các CTĐL cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện nhằm đảm bảo tránh tình trạng gây quá tải đường dây, máy biến áp phân phối theo nguyên tắc: Tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, máy biến áp (MBA) phân phối trung, hạ áp.

PV: Thủ tục gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án và công tác lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án ĐMTTMN triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Trung Kiên: Sau khi hoàn thành lắp đặt dự án, chủ đầu tư gửi một bộ hồ sơ đề nghị bán điện cho CTĐL (hồ sơ do CTĐL cung cấp). Trong vòng 01 ngày kể từ sau ngày tiếp nhận giấy đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN của chủ đầu tư, CTĐL phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án.

EVNHCMC khuyến khích chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện thí nghiệm bởi một đơn vị có đủ năng lực và cung cấp cho ngành điện các kết quả thí nghiệm hệ thống điện mặt trời của khách hàng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Trường hợp chủ đầu tư không cung cấp được kết quả thí nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, CTĐL phối hợp Công ty Thí nghiệm điện (trực thuộc Tổng công ty) kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật nối lưới theo quy định.

Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra thông số kỹ thuật, nếu đạt sẽ tiến hành lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong vòng 2 ngày. Ngược lại EVN HCMC sẽ không đồng ý mua điện nếu dự án ĐMTMN của chủ đầu tư không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Để bán điện cho EVN HCMC, chủ đầu tư phải khắc phục, sửa chữa dự án ĐMTMN đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Các dự án ĐMTMN đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nối lưới theo quy định sẽ được lắp đặt công tơ 2 chiều. Cụ thể như sau:

- Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án: đơn vị thay thế công tơ đo đếm 01 chiều hiện hữu bằng công tơ đo đếm 02 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án với chủ đầu tư. Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ 01 pha sang 03 pha để đấu nối dự án ĐMTMN, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau công tơ, ngành điện chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ công tơ đến điểm đấu nối và công suất của công tơ.

- Đối với chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án (khách hàng đề nghị cấp điện mới): đơn vị lắp đặt công tơ đo đếm 02 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư đồng thời với hợp đồng bán điện cho chủ đầu tư sử dụng tại địa điểm lắp đặt dự án.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại TP.HCM?

Ông Bùi Trung Kiên: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng điện cho phát triển được TP.HCM triển khai từ lâu và đã đạt được một số thành quả nhất định, đến nay tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của Thành phố, hầu hết là ĐMTMN được phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 vừa qua. Trong giai đoạn phát triển sắp tới, để đáp ứng được đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP.HCM, tỷ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN. Thực tế lũy kế từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện 6.407 công trình ĐMTMN với công suất là 81,97 MWp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng ĐMTMN phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu của năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán tiền mua ĐMTMN là 5,67 tỷ đồng.


Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm như sau: (1) hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông): 153,95 MWp; (2) sản xuất: 1.471,77 MWp; (3) thương mại: 145,88 MWp. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng ĐMTMN ở TP.HCM ước tính khoảng 6.300 MW. Nếu có các cơ chế chính sách phù hợp thì ĐMTMN sẽ có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

PV: Với tiềm năng như vậy, EVNHCMC đã có những động thái gì để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ?

Ông Bùi Trung Kiên: Để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng ĐMTMN, EVNHCMC sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.

EVNHCMC cũng đã kêu gọi các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời để có cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, đầu tư trước trả tiền sau, …) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP.HCM tham gia thực hiện. EVNHCMC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất.

Song song đó, EVNHCMC cũng đã có các kiến nghị gửi Chính phủ, UBND Thành phố và các sở ban ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho người dân sử dụng điện mặt trời; Đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành một yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây mới cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước (như việc bắt buộc sử dụng gạch không nung). Song song đó, có các chương trình hỗ trợ lắp đặt ĐMTMN tương tự như chương trình hỗ trợ cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây.

PV: Xin cảm ơn ông

Ngọc Thuận

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất