Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Điều này khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia; dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, đầu tư vào các dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công như y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết căn cứ để xác định chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 dựa trên các chỉ tiêu về tài chính-ngân sách tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ.
Việc huy động nguồn lực nêu trên là hoàn toàn có khả năng khi nợ công, nợ Chính phủ so với GDP giảm, dư địa về tăng trưởng kinh tế, thu Ngân sách Nhà nước còn khá lớn. Những kết quả đạt được trong năm 2020 về kinh tế vĩ mô là nền tảng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%.
Về thu ngân sách Nhà nước, còn 70% doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2017-2020 chưa hoàn thành cổ phần hóa và đang tiếp tục lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; trong đó, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Số vốn ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được phân bổ chi tiết tối đa là 1,35 triệu tỷ đồng, gồm: vốn trong nước 1,08 triệu tỷ đồng, vốn nước ngoài 270.000 tỷ đồng. Số vốn ngân sách địa phương được phân bổ 1,37 triệu tỷ đồng.
Dự kiến bố trí cho khoảng gần 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, có 2.236 dự án khởi công mới.
Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Điều này khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Còn lại dự phòng vốn ngân sách Trung ương là 10%, tương đương 150.000 tỷ đồng, bằng với mức dự phòng đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2020, tương đương giai đoạn 2016-2020.
Mức dự phòng ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.
Trong tổng số vốn ngân sách Trung ương dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1% của tổng số vốn kế hoạch; kế đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7%; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; y tế, dân số và gia đình chiếm 3,2%; khoa học và công nghệ là một trong các đột phá chiến lược, chiếm 1,8% tổng số vốn kế hoạch ngân sách Trung ương.
Trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, giao thông là ngành nhận được sự ưu tiên cao nhất về bố trí vốn kế hoạch giai đoạn 2021-2025, chiếm 52,3% số vốn ngân sách Trung ương và 68,8% của số vốn kế hoạch bố trí cho các hoạt động kinh tế trong cùng giai đoạn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí theo thứ tự ưu tiên; trong đó, thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước. Đồng thời, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án.
Cụ thể, bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 100.000 tỷ đồng; trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là 20.000 tỷ đồng. Cùng đó, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc 21 chương trình mục tiêu của giai đoạn trước./.
Theo TTXVN