(TG)- Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia đã giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên; trong khi nguồn cung đang được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ đã giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc và thị trường xăng dầu Việt Nam cũng khởi sắc theo.
Giá dầu tăng, thị trường ấm dần
Thị trường xăng dầu đang diễn biến theo hướng tích cực khi cung giảm, cầu tăng. Đầu tiên phải nói đến hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ bắt đầu từ 1/5/2020. Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5, giá dầu thô WTI tăng vọt 25,1%, dầu Brent tăng khoảng 17,1%. Tuần thứ 2 của tháng 5, giá dầu tăng trung bình 20%. Giá dầu WTI chốt phiên tuần thứ 3 của tháng 5 đã đạt mức 33,41 USD/thùng, dầu Brent đạt mức 35,21 USD/thùng. Theo dự báo của Wood Mackenzie và Platts thì thị trường sẽ khởi sắc đáng kể từ tháng 6 hoặc tháng 7/2020.
Theo thỏa thuận của OPEC+, các nước đã bắt đầu cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5 và 6. Mới đây, Algeria - quốc gia thành viên hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của OPEC đã cắt giảm khoảng 200.000 thùng/ngày. Cam kết của Algeria - nước sản xuất dầu không lớn trong khối OPEC, chứng tỏ khối này đang rất nghiêm túc trong việc cắt giảm sản lượng cam kết và nhiều nước còn muốn cắt giảm hơn nữa, để đẩy giá tăng cao.
Saudi Arabia và Kuwait - hai nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông vừa có những tuyên bố mạnh mẽ về cắt giảm thêm sản lượng.
Do giá dầu thấp, nên nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia giảm 25% trong quý I (khoảng 9 tỷ USD). Chính phủ nước này cũng phải chi thêm 48 tỷ USD chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kinh tế suy giảm. Để cân đối dòng tiền, Saudi Arabia đã phải phát hành trái phiếu, tăng giá bán dầu tháng 6 đối với tất cả các thị trường, cao nhất là Địa Trung Hải (lên tới 25%). Động thái của “ông trùm” dầu mỏ Trung Đông như một chất xúc tác giúp giá dầu tăng dần đều trong suốt hơn 2 tuần qua.
Thế giới nới cách ly, nhu cầu dầu mỏ dần khôi phục lại
Nếu thị trường xăng dầu như một chiếc ô tô 4 bánh thì cắt giảm sản lượng và sự khủng hoảng trong khâu khai thác chỉ là 2 chiếc bánh, thì 2 chiếc còn lại chính là sự trở lại của hoạt động xã hội và những cú hích tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Ngày 11/5, Chính phủ Pháp nới lỏng giãn cách xã hội, người dân được phép ra ngoài và nhiều hoạt động kinh doanh được khôi phục. Cùng thời gian này, nước Nga cũng tuyên bố ngừng các hoạt động giãn cách, cuộc sống dần trở lại bình thường. Nước Anh đồng ý cho những người bấy lâu nay làm việc tại nhà được phép đến nơi làm việc. Từ ngày 13/5, người dân Anh sẽ được tập thể dục giới hạn ngoài đường, miễn là tuân thủ các quy định hạn chế tiếp xúc xã hội. Iran là một trong số những quốc gia bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực Trung Đông đã bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội để cứu vãn nền kinh tế.
Nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông đã tăng lên ở châu Á, dẫn đầu là sự gia tăng ở một loạt các quốc gia như Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc… Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi nhu cầu xăng dầu của châu Á. Xu hướng tương tự đang diễn ra ở Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc phục hồi, giúp kinh tế toàn cầu có thêm động lực tăng trưởng, trước hết là nhu cầu xăng dầu tăng lên tại chính quốc gia này. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay nhưng Trung Quốc lại có thể tăng 1,2%. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang phục hồi kinh tế là nước này đã nhập khẩu hơn 40 triệu tấn dầu thô trong tháng 4. Nhu cầu năng lượng tăng do các nhà máy đã hoạt động trở lại, du lịch nội địa cũng tăng. Giới phân tích dự báo, nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc trong quý II năm nay sẽ phục hồi so với quý trước, gần tương đương mức cùng kỳ năm trước.
Thị trường xăng dầu Việt Nam khởi sắc
Cập nhật đến ngày 25/5, Việt Nam đã có 39 ngày không có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại nhịp điệu bình thường. Tại Hà Nội và TP.HCM, vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường quay lại cảnh ùn tắc. Chính phủ đã và đang triển khai các gói kích thích và hỗ trợ doanh nghiệp tổn hại trong dịch. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy nhanh các thủ tục giải ngân cho dự án đầu tư công trong năm 2020. Mậu dịch biên giới, nhất là với Trung Quốc đã được khai thông, dẫn đến nhu cầu xăng dầu tăng cao trở lại.
Các hoạt động kinh tế của Việt Nam quay trở lại bình thường đang giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu như BSR, Petrolimex, PVOil,… đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và gia tăng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao, các khách hàng của BSR đang đẩy mạnh việc tiếp nhận hàng. Nắm bắt lấy cơ hội này, thời gian qua BSR đã tối ưu và linh hoạt điều chỉnh công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá; tìm cơ hội mua theo chuyến (SPOT) dầu thô với phụ phí thấp, triển khai và chủ động các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm chớp cơ hội tăng giá của thị trường,… Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm gia tăng hiệu quả.
Theo kế hoạch, trong quý II/2020 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 1.529.008 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sản xuất khoảng 1.504.799 tấn. Tổng sản lượng hai nhà máy sản xuất khoảng 3.033.807 tấn, cao hơn khoảng 200.000 tấn so với quý I/2020.
Thành Lê