Cộng đồng đang phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và để tăng cường khả năng chống chịu trước những “cú sốc,” đòi hỏi phải có các giải pháp mới cho những thách thức mới.
Những yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội là một trong những cản trở lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Việc thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số-nền tảng số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là những yêu cầu bức thiết.
Chậm và vẫn bị động
Tại hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan phối hợp tổ chức chiều 16/11, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực tế cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tại Việt Nam có những phát triển mới và từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên trước những đòi hỏi của xu thế phát triển công nghiệp, hiện đại hóa toàn cầu cùng với những rủi ro, thách thức từ các “cú sốc” khách quan mang lại, ông An cho rằng hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn không ít những tồn tại và yếu kém.
Ông An dẫn chứng hệ thống hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…. Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế.
Mặt khác, hạ tầng vật lý trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia triển khai chậm, khiến cho cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số bị phân tán, thiếu và chưa được chuẩn hóa, đồng bộ. Điều này dẫn đến hạ tầng thanh toán số trong xã hội thiếu đồng bộ nên chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn. Điểm bất cập lớn là hạ tầng điện phục vụ cho hệ thống viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Những yếu tố này làm cho quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra chậm và thiếu chủ động. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản khiến khu vực doanh nghiệp trở nên bị động, dẫn tới năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp...,” ông An cho hay.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó phải kể đến công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ về kết nối và tầm nhìn dài hạn, do vậy thường xuyên phải điều chỉnh.
Ông nhìn nhận là do công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, công tác quản lý thực hiện lại yếu và hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, khiến cho một số quy định chưa phù hợp khi triển khai vào cuộc sống.
Thích ứng với tình hình mới
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng chìa khóa cho phục hồi kinh tế dài hạn ở Việt Nam là việc sử dụng công nghệ số một cách có chiến lược.
Theo ông Andrew, trong đời sống, cộng đồng và doanh nghiệp đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, những vấn đề về sức khỏe, thể chất và kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, để tăng cường khả năng chống chịu trước những “cú sốc,” đòi hỏi phải có các giải pháp mới cho những thách thức mới.
Song ở một khía cạnh khác, ông Andrew cho rằng đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa trong thời gian qua, những tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế-xã hội được giảm bớt đồng thời tạo nên tảng cho sự phục hồi kinh tế trong dài hạn. Bởi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một thành phần không thể thiếu của khả năng chống chịu và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Việt Nam nên vận dụng cơ hội này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, nỗ lực gặt hái những lợi ích của quá trình này. Nếu không tận dụng hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế đất nước trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, gây hệ lụy đến những mục tiêu quan trọng của quốc gia, như việc là trở thành một thành viên chủ chốt trong chuối giá trị toàn cầu,” ông Andrew thúc giục.
Đến với hội thảo, ông Phạm Hồng Tâm, Giám đốc Hạ tầng FPT Smart Cloud chia sẻ câu chuyện thành công trong việc vận hành tối ưu hàng trăm siêu thị mini tại Việt Nam. Ông cho biết trước đó, khách hàng đã vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước, quốc tế và họ đặt mục tiêu thực hiện chiến lược xuyên quốc gia, tập trung vào thị trường châu Á. Tuy nhiên, khách hàng này đã phải đối mặt với những thách thức ở Việt Nam khi việc trao đổi thông tin thường xuyên bị gián đoạn, cản trở việc xây dựng hệ thống quản lý cửa hàng dựa trên nền tảng đám mây quốc tế.
“Để khắc phục tình trạng này, FPT Cloud thực hiện di chuyển hệ thống, tối ưu đường truyền và triển khai các giải pháp bảo mật đảm bảo an toàn cho hệ thống cũng như tính năng lưu trữ dữ liệu và sẵn sàng cao, từ đó giúp cho hoạt động thanh toán của các chuỗi cửa hàng được linh hoạt theo nhu cầu sử dụng với điều kiện cơ sở hạ tầng bảo mật, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế,” ông Đức nói.
Trong khi đó đại diện của Viettel, chuyên gia tư vấn Phạm Anh Đức lại trình bày sáng kiến thúc đẩy phát triển hạ tầng số tại Việt Nam với các trụ cột: Xây dựng trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây là tiêu chuẩn thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay; khuyến khích đầu tư hạ tầng số, trong đó ưu tiên sử dụng giải pháp hạ tầng số trong nước. Cụ thể, việc làm chủ hạ tầng số cần được coi là tiêu chuẩn đánh giá khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ; lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số phục vụ các hệ thống quan trọng.
“Cuối cùng là xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số, trên cơ sở đó hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hạ tầng, thiết bị phục vụ triển khai,” ông Đức nói./.
Theo Vietnam+