Đại thắng mùa xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, có ý nghĩa và giá trị to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Sự thật lịch sử rất rõ ràng, vậy mà cứ vào dịp chúng ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng là trên một vài trang mạng lại xuất hiện những giọng điệu mang tư tưởng thù địch xuyên tạc sự thật, phủ nhận ý nghĩa, giá trị lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15-5-1975.) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Song từ đó đến nay, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ chiến thắng vĩ đại này của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, đấu tranh bóc trần những luận điệu dối trá, xuyên tạc lịch sử bằng các chứng cứ lịch sử, trong đó có những lời thú nhận của chính phía đối phương tham chiến và đánh giá của các nhà nghiên cứu phương Tây, để qua đó khẳng định giá trị và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sự thật về một cuộc chiến tranh
Thực tế từ sau năm 1975 đến nay, câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?” vẫn làm đau đầu các nhà chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và các nước phương Tây. Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách ở Mỹ đã cố tình che giấu sự thật, tìm cách lý giải, biện minh cho âm mưu, thủ đoạn đen tối của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và buộc tội cho chính “cộng sản Việt Nam” gây ra. Có những kẻ hiếu chiến cho rằng: “Hoa Kỳ thất bại trong chiến tranh vì đã không thực sự cố gắng, không giữ được cho mình uy quyền và sức mạnh”; “không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh” để “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá!”. Không ít học giả Mỹ và phương Tây lại đưa ra lý lẽ để biện minh cho nguyên nhân thất bại cay đắng này của Mỹ ở Việt Nam là “do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường châu Á xa xôi, đầy cạm bẫy, gian nan”. Song, cũng có rất nhiều chính khách, nhà quân sự, nhà nghiên cứu đã quyết lần tìm và bóc trần sự thật này.
Khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko viết trong tác phẩm "Giải phẫu một cuộc chiến tranh", xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, đưa ra đánh giá thật chua chát: “Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882 đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị”. Nhà báo Ezwin Knoll dày công sưu tập hơn 7.000 tài liệu của Lầu Năm Góc, trong đó phần lớn là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 9-1991, ông xuất bản cuốn sách "Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ" do Nhà xuất bản Washington (Mỹ) phát hành, gây tiếng vang lớn trong xã hội Mỹ. Cuốn sách dẫn ra những tư liệu chân thực, nêu rõ âm mưu xâm lược Việt Nam được thực hiện bằng các thủ đoạn chiến tranh tàn bạo, phi nghĩa, vô nhân đạo của Mỹ; đồng thời chỉ ra dã tâm xâm lược Việt Nam mà Nhà Trắng tiến hành với những luận điệu xuyên tạc, hù dọa nhân dân Mỹ về cái gọi là “sự bành trướng của cộng sản Bắc Việt là mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia Mỹ, đe dọa an ninh nước Mỹ”. Góp tiếng nói vào trả lời cho câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?”, một phóng viên của hãng tin UPI thời kỳ chiến tranh Việt Nam là David Lamb đã lột tả sự thật trong cuốn "Vietnam, ngày nay" (Vietnam, Now), trong đó nêu rõ: “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Họ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự sẽ thắng cuộc chiến, không bao giờ buồn để ý đến chuyện tìm hiểu là họ chiến đấu với ai... Mỹ đã tới Việt Nam để xây dựng nhưng rút cuộc là phá hủy. Mỹ tới rừng rú Việt Nam để chiếm lòng dân, nhưng trong cuộc chiến lâu dài nhất-cuộc chiến đầu tiên mà Mỹ thất trận-đã khám phá ra rằng những dụng cụ chiến tranh không thể thay thế cho sinh khí của tinh thần quốc gia”.
Chiến thắng của chính nghĩa
Lời tự thú thất bại cay đắng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với chứng cứ không thể rõ ràng, thuyết phục hơn từ chính những nhà chiến lược quân sự và nhiều tướng lĩnh lừng danh của nước Mỹ từng can dự vào cuộc chiến vô cùng tàn khốc này. Chúng ta hãy đọc một cuốn hồi ký viết về chiến tranh có tựa đề “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson và Nixon, do Nhà xuất bản Random House phát hành tháng 4-1975, đúng vào dịp quân và dân ta đang tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuốn hồi ký chỉ ra 11 nguyên nhân gây nên thảm họa cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có các nguyên nhân: Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của cuộc đấu tranh hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của CNXH; sự thiếu hiểu biết của Mỹ về lịch sử, văn hóa và chính trị của nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam; sự nhìn nhận, đánh giá sai về sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc đó... Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải công khai thừa nhận: “... Chúng tôi (tức Chính phủ Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây chính là một trong những lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử đưa quân đội tham chiến ở ngoài nước Mỹ.
Lời thú nhận về nguyên nhân thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn được dẫn liệu trong cuốn hồi ký “Tường trình của một quân nhân” của Đại tướng, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ giai đoạn 1964-1968 (nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, phát hành năm 1988), trong đó có đoạn viết: “Lịch sử rất có thể đánh giá rằng nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ”. Nhà sử học Stanley Karnow là một trong số ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh đã viết cuốn sách “Vietnam A History”, được coi như một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại. Ông khái quát rất cô đọng và thấm thía về sự sai lầm của các Chính phủ Mỹ đương thời là “xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài và đau đớn những cuộc chiến, những xung đột và điều chỉnh đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Cũng những xung đột và điều chỉnh ấy đã làm nên một đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước”. Chính vì những sai lầm và thiếu hiểu biết của Mỹ về lịch sử, văn hóa, chính trị ở nước Việt Nam mà các đời Tổng thống Mỹ khi đó đã đẩy nước Mỹ sa lầy trầm trọng vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa khi tiến hành chiến tranh xâm lược một đất nước với tiềm lực kinh tế, quân sự thua kém rất nhiều lần so với cường quốc Hoa Kỳ. Vậy xin viện dẫn lời của tướng Maxwell Taylor, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và cũng từng là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ L.B. Johnson, đã phải thốt lên rằng: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó” (Báo Mỹ “Sao và vạch”, ngày 14-5-1975). Đúng vậy, một đất nước được thế giới coi là rất hùng mạnh, lại đem quân đi xâm lược một quốc gia có độc lập, chủ quyền, lại kém mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, thì làm gì có anh hùng, như lời tự vấn của tướng Maxwell Taylor.
Những lời thú nhận của các chính khách, các nhà lãnh đạo, cùng nhiều tướng lĩnh Mỹ và phản ánh của các phóng viên chiến trường ở một số hãng thông tấn nổi tiếng các nước phương Tây đã góp phần bóc trần sự thật về một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” mà chính phủ Mỹ đương thời đã dã tâm tiến hành trong hàng chục năm chống nhân dân Việt Nam. Lịch sử chiến tranh thế giới đương đại vẫn hiển hiện và lưu truyền mãi một bức tranh ảm đạm đối với nước Mỹ trong những ngày tháng 4-1975. Có thể khẳng định, sai lầm lớn nhất của Mỹ khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam là không thấy được một dân tộc Việt Nam luôn luôn có khát vọng hòa bình, tự do và hạnh phúc, nên sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để đạt tới khát vọng hòa bình cao cả đó. Bởi thế, những dân tộc đang đấu tranh để giành độc lập, những người có lương tri trên toàn thế giới, trong đó có đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý ở nước Mỹ, khi nghe tin Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và giành toàn thắng, họ đã coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam như thắng lợi của chính mình. Đó là niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, không một thế lực nào có thể phủ nhận được.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã khép lại cánh cửa chủ nghĩa thực dân mới, làm tiêu tan mọi mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch hòng thôn tính, đô hộ, nô dịch, ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của biết bao sự tích lũy, trải nghiệm của cách mạng, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, của các thế hệ, của sức mạnh tổng hợp và tổng lực của toàn dân, toàn quân ta. Khẳng định chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, để nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc chân chính, tạo nguồn động lực cho sự phát triển mới của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chứ không nhằm khoét sâu, làm đau đớn thêm vết thương chiến tranh do cuộc chiến phi nghĩa, tàn bạo mà đế quốc Mỹ gây ra.
Khẳng định giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chúng ta cũng đồng thời đấu tranh phê phán, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử chiến tranh cách mạng thiếu khách quan, cụ thể, đi ngược lại tinh thần khoan dung, đồng thuận, đại đoàn kết dân tộc của toàn dân ta. Đảng, Nhà nước ta đã chủ động đề ra và thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, nhưng trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, mỗi người dân của “con Lạc cháu Hồng” dù ở trong nước hay đang định cư, học tập, công tác ở nước ngoài, không bao giờ được lãng quên lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; càng không được vào hùa với các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn để bóp méo, bôi nhọ, xuyên tạc, đòi đánh giá lại lịch sử, phủ nhận tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975 nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối./.
Đức Thắng-Quang Phương-Kim Ngọc (Báo QĐND)