Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Hoàng Văn Phai, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự nhấn mạnh, sự ra đời của tác phẩm “Đường Cách mệnh” xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và yếu tố khách quan, chủ quan của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, đánh dấu một giai đoạn mới trong nhận thức lý luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tác phẩm đã trình bầy một cách hệ thống những vấn đề lý luận góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo lập tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930; khắc phục sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc, đem đến sự lựa chọn đúng đắn nhất cho con đường cách mạng Việt Nam. Đồng thời, các bài tham luận Hội thảo cũng đã nhấn mạnh và làm rõ một số nội dung:
Thứ nhất, sự ra đời của tác phẩm “Đường Cách mệnh” có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng đối với con đường cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự nghiệp đổi mới hiện nay. Hội thảo chỉ rõ, sự ra đời của tác phẩm “Đường Cách mệnh” là một hình mẫu tiêu biểu của sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện sự thiên tài về lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Nội dung cơ bản của tác phẩm đã vạch rõ con đường cách mạng Việt Nam là cách mạng vô sản, tính chất của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải có chính Đảng cách mạng lãnh đạo, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”; lực lượng cách mạng là toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó giai cấp công nhân và nông dân là “gốc”, là “chủ” của cách mạng, các giai tầng khác trong xã hội là “bầu bạn” của công nông, là lực lượng tham gia nhiệt tình, hăng hái và có vai trò quan trọng của cách mạng.
“Đường Cách mệnh” là tác phẩm đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, xây dựng lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân cho toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, thiết lập nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Vạch ra những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, làm cơ sở thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), chấm dứt sự khủng hoảng đường lối, con đường cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX và đặt nền móng, cơ sở lý luận để Đảng ta đề ra quan điểm, đường lối lãnh đạo đúng đắn trong hơn 90 năm qua.
Hội thảo khẳng định, dù 95 năm đã trôi qua, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi, nhưng những vấn đề lý luận về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương pháp đấu tranh, về tư cách đạo đức một người cán bộ cách mạng trong Tác phẩm không chỉ là “bó đuốc soi đường”, dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành thắng lợi mà vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn xây dựng Đảng và sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Thực tiễn thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 35 năm qua đã minh chứng những giá trị của Tác phẩm “Đường Cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Thứ hai, Hội thảo đã phân tích, luận giải Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, con đường, lực lượng, cách thức tổ chức của phong trào cách mạng vô sản. Tác phẩm “Đường Cách mệnh” đã tập trung làm rõ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống những luận điểm sâu sắc về cách mạng, về quan hệ giữa Đảng với các tổ chức quần chúng như: công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên, về xây dựng và phát triển hợp tác xã... Trong đó, tư tưởng chủ đạo và nội dung cơ bản của tác phẩm “Đường Cách mệnh” là giáo dục lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về con đường, phương thức giải phóng dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn là mâu thuẫn chủ yếu của thời đại, vì vậy những tư tưởng trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” vẫn là định hướng cho các dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau để cùng thực hiện thắng lợi mục tiêu: “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Các Đảng cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân ở mỗi nước cần phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp, tập hợp đông đảo lực lượng để thực hiện sứ mệnh lịch sử ở dân tộc mình, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên phạm vi toàn thế giới.
Thứ ba, Hội thảo đã làm rõ Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách của Đảng cách mạng, tư cách người cán bộ cách mạng và việc vận dụng tư tưởng của Người vào công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trên cơ sở phân tích, làm rõ Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” về tư cách Đảng cách mạng, tư cách của người đảng viên, để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, các nhà khoa học khẳng định: phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, “kim chỉ nam” cho mọi hành động; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; tiếp tục khẳng định vai trò nhân tố “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung, dân chủ gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng và tăng cường đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; phát huy và kết hợp có hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quán triệt và thực hiện Kết luận số 12 ngày 12/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực gắn với đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong nội bộ; tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XI, XII và Kết luận số 01 ngày 18/8/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tư, Hội thảo đã đưa ra những luận cứ khoa học đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xuyên tạc, phủ nhận giá trị của tác phẩm “Đường Cách mệnh” và công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Trên cơ sở phân tích, làm rõ nhưng nội dung cơ bản của cách mạng Việt Nam trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, một số bài tham luận Hội thảo đã chỉ rõ: hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã và đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá, phủ nhận giá trị lịch sử và thời đại Tác phẩm cũng như những công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chúng cho rằng: quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam chỉ là sự “áp đăt tư tưởng ngoại lai, không phù hợp với Việt Nam”, hoặc là: những chỉ dẫn của Nguyễn Ái Quốc trong Tác phẩm chỉ phù hợp với Việt Nam những năm đầu Thế kỷ XX, và nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà nhân loại đang “dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” dưới tác động của Cuộc cách mạng 4.0 và xu thế toàn cầu hóa. Bằng những luận chứng lý luận khoa học, cách mạng và thực tiễn, nhiều bài tham luận trong Hội thảo đã đưa ra những luận chứng, luận cứ khoa học đấu tranh, bác bỏ những tư tưởng, quan điểm sai trái nhằm phủ nhận giá trị cách mạng, khoa học và thực tiễn của tác phẩm “Đường Cách mệnh” đối với cách mạng Việt Nam. Mặc dù phong trào cách mạng thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, chủ nghĩa tư bản đã có những bước điều chỉnh, thích nghi tạm thời nhưng những mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt còn gay gắt hơn. Chính vì vậy, mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp cách mạng và Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra trong Tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Là cơ sở lý luận quan trọng để các Đảng của giai cấp công nhận vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn phong trào công nhân ở mỗi quốc gia.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Sơn, Quyền Viện trưởng nhấn mạnh, ra đời trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau, tác phẩm “Đường cách mệnh” có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tác phẩm “Đường cách mệnh” hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo lập các tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, là dịp để chúng ta nghiên cứu, làm rõ hơn giá trị, ý nghĩa của Tác phẩm cùng công lao, cống hiến to lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới nói chung. Qua đó, vừa khẳng định sức sống mãnh liệt, giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và tính tất yếu của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
TS Nguyễn Đình Tương
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự