Ô nhiễm môi trường của thành phố rất đa dạng, trong đó chủ yếu là ô nhiễm nước mặt, không khí, tiếng ồn, ánh sáng… Mỗi năm thành phố tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng ngân sách để khắc phục nhưng cũng chỉ phần hạn chế được phần nào.
Người dân nhiều nơi ở Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, quận 6, 11… phải “sống chung” với rác thải, ô nhiễm kênh rạch. Dân nội thành thì hứng không khí bụi bặm, tiếng ồn, ánh sáng suốt ngày đêm.
Từ ô nhiễm nguồn nước, không khí kéo dài
Gần đây người dân sống quanh khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) rất khổ sở với mùi hôi thối nồng nặc của bãi chôn lấp rác thải này. Sau khi mưa, đứng cách xa khoảng 3km ngoài Quốc lộ 22 vẫn ngửi thấy mùi hôi thối của rác. Không chỉ không khí, nguồn nước cũng bị ô nhiễm trầm trọng, các dòng kênh nước đã chuyển sang màu đen. Cuộc sống của dân hoàn toàn bị xáo trộn.
Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố thực hiện trong năm 2013, chất lượng nước mặt một số khu vực xung quanh khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc-Củ Chi bị ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ, sắt và vi sinh phát hiện có nhiều thông số vượt xa mức độ cho phép.
Trước bức xúc của người dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải từng bước đóng cửa khu xử lý chất thải này. Lượng rác hàng ngày sẽ chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) xử lý.
Cách đây vài năm, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) cũng phải ngừng chôn lấp rác thải bởi quá ô nhiễm không khí, nguồn nước trong khi dân cư đông đúc bao bọc xung quanh.
Con kênh Gò Công chảy từ khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), qua khu công nghệ cao quận 9 đã thành kênh nước đen từ nhiều năm nay. Người dân ở khu vực phường Long Thạnh Mỹ (quận 9) sợ nhất những ngày nắng kéo dài khiến cho dòng kênh nước đen đặc bốc mùi hôi thối.
Nhiều gia đình nơi đây, trước kia vẫn thường ra kênh lưới cá, nay ô nhiễm dòng nước không còn cá tôm nào sống nổi. Rất nhiều kiến nghị của người dân với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào.
Kênh Tân Hóa-Lò Gốm đang được kè, nạo vét hết sức ì ạch, là nỗi bức xúc của người dân các quận 6, 11, Bình Tân… nhiều năm nay. Con kênh ô nhiễm này chủ yếu do nước thải, rác thải sinh hoạt của chính người dân hai bên bờ xả ra.
Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến con kênh cũng bị lấn chiếm thu hẹp dần dòng chảy, thêm vào đó là sự thiếu ý thức của cư dân góp phần làm cho ô nhiễm trầm trọng. Nhiều người dân khi hỏi cho biết “ngửi mãi cái mùi này thành quen chứ các anh thì không thể chịu được đâu.”
Còn rất nhiều những con kênh, bãi tập kết rác, khu dân cư ven kênh rạch ô nhiễm nằm rải rác ở khắp các quận huyện của thành phố mà chúng tôi chưa điểm danh hết, nhưng mức độ ô nhiễm rất đáng báo động.
… đến ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và ánh sáng
Theo số liệu quan trắc của trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tại 150 điểm của 30 tuyến đường trung tâm thành phố, tiếng ồn ở mọi lúc, mọi nơi đều vượt mức cho phép rất nhiều lần.
Những tuyến đường có mật độ giao thông cao thì hầu hết số lần đo đều cho kết quả vượt tiêu chuẩn ở mức cao, tuyến có mật độ giao thông ít hơn cũng không khả quan hơn là bao. Đáng báo động nhất, ngay cả đêm khuya từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần.
Kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục Bảo vệ Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua cũng cho thấy tất cả số lần đo ở 6 trạm quan trắc gồm ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đường Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ (quận 1), vòng xoay Phú Lâm (quận Bình Tân), đường Huỳnh Tấn Phát- Nguyễn Văn Linh (quận 7) đều cho kết quả tiếng ồn đạt tới 85 decibels (dBA), trong đó ngưỡng vượt tiếng ồn cho phép cao nhất là 75dBA.
Điểm có mức độ ồn cao nhất hiện nay là ngã tư An Sương, “thủ phạm” chủ yếu là do lượng xe tải, xe cơ giới qua lại đông gây cộng hưởng tiếng ồn quá lớn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Viết Hồng (75 tuổi) sống gần ngã tư An Sương cho biết cứ đến giờ tan tầm là lượng xe cộ lại ken đông đặc xung quanh ngã tư này, tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi. Ông Hồng chia sẻ những ngày chuyển mùa khó chịu trong người ông phải “di cư” về quê lánh tiếng ồn để bớt căng thẳng đầu óc, khi nào khỏe người mới dám trở về nhà.
Anh Nguyên Văn Út Em, một người hành nghề xe ôm cũng cho biết giữa trưa vào ngày nắng nóng là kinh khủng nhất với bất kỳ ai đi ngang qua ngã tư An Sương.
Tiếng động cơ xe, còi hơi inh ỏi, khói bụi từ mặt đường bốc lên khiến ai cũng muốn nổi nóng khi có va chạm giao thông xảy ra.
Giữa trưa nắng nếu ra đường thì hầu hết phụ nữ đều trong trang phục kín như bưng từ đầu tới chân, nam giới cũng khẩu trang, kính mắt bít bùng.
Ô nhiễm ánh sáng cũng là vấn đề đáng báo động đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các tuyến đường trung tâm của thành phố đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng công cộng có công suất từ 100W đến 500W, đèn huỳnh quang, đèn led, đèn từ các biển hiệu quảng cáo… sáng suốt đêm.
Hầu như những tuyến phố chính như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi… không có bóng tối, khiến cho người dân choáng ngợp trước thứ ánh sáng đủ sắc màu mỗi khi đêm xuống.
Ánh sáng đèn điện là rất cần thiết cho cuộc sống con người nhưng tình trạng lạm dụng ánh sáng đèn chiếu sáng ở đô thị suốt ngày đêm như ở thành phố hiện rất đáng báo động.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các thành phố “không ngủ,” người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí là mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể…
Có thể nói những cảnh báo như trên có thể nhiều người đã biết, nhưng tình trạng ô nhiễm ánh sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không được quan tâm đúng mức.
Chính quyền thành phố phải làm gì để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như trên? Đây cũng là một trong các bài toán cần có bước đột phá mà Thành phố Chí Minh cần thực hiện trong gia đoạn hiện nay./.
Theo TTXVN