Ý nghĩa của chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia
Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index - GCI) được sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế, đồng thời cũng là số liệu tham chiếu hữu ích đối với các nhà đầu tư nước ngoài trước khi lựa chọn môi trường đầu tư.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Thụy Sĩ. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) là báo cáo thường niên do WEF thực hiện, xuất bản lần đầu vào năm 1979, nhằm xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Từ năm 2005, WEF sử dụng chỉ số GCI như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia, những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững.
Từ năm 2018, WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).
Theo cách tiếp cận mới, chỉ số GCI 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số này đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia - động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn, theo 12 trụ cột quan trọng tác động đến năng suất với tổng cộng 98 chỉ tiêu cụ thể, trong đó 64 chỉ tiêu mới so với trước năm 2018. Cấu trúc mới của GCI 4.0 hướng tới việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nền kinh tế thông qua việc GCI 4.0 không đặt trọng tâm vào bất cứ một trụ cột nào như trước đây, mà đưa một hệ số đồng đều cho tất cả các trụ cột để thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Chỉ số GCI được sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh thông qua 12 chỉ số trụ cột được phân vào 3 nhóm.
Nhóm 1 - Các chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của một nền kinh tế, gồm: Thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục tiểu học.
Nhóm 2 - Các chỉ số để nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả gồm: Giáo dục và đào tạo sau tiểu học, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường lao động, trình độ phát triển của thị trường tài chính, sẵn sàng công nghệ, quy mô thị trường.
Nhóm 3 - Các chỉ số phản ánh trình độ của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo gồm: trình độ kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo.
Sử dụng cột mốc năm 2018, khi mà WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số GCI 4.0, thì có thể thấy Việt Nam đã có được sự cải thiện đáng kể ở các chỉ số cũng như vị trí trên bảng xếp hạng.
Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội, tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế).
Từ năm 2020 đến nay, các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI không được công bố chi tiết như các năm trước đây, do đại dịch COVID-19.
Theo đó, một số đánh giá được tham chiếu từ kết quả của báo cáo GCI năm 2019 được WEF công bố ngày 08/10/2019.
Việt Nam có 5/12 chỉ số nằm trong top ASEAN 4, bao gồm trụ cột 2 (hạ tầng), trụ cột 3 (ứng dụng công nghệ thông tin), trụ cột 5 (y tế), trụ cột 7 (y tế), trụ cột 10 (quy mô thị trường). 7/12 số trụ cột còn lại thấp hơn nhóm ASEAN 4 là: trụ cột 1 (thể chế); trụ cột 4 (ổn định kinh tế vĩ mô); trụ cột 6 (kỹ năng); trụ cột 8 (thị trường lao động); trụ cột 9 (hệ thống tài chính); trụ cột 11 (mức độ năng động trong kinh doanh); trụ cột 12 (năng lực đổi mới sáng tạo).
Trong đó, Việt Nam không có trụ cột nào thuộc nhóm thấp, 12 trụ cột của Việt Nam được phân theo 4 nhóm từ rất tốt cho đến trung bình.
Ở nhóm rất tốt (xếp hạng từ 1 - 27): Việt Nam có 1 trụ cột là quy mô thị trường ở vị trí 26/141 và ở vị trí thứ 3 trong ASEAN 4 (sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia). So với GCI năm 2018, chỉ số này đã tăng 0,9 điểm và 3 bậc;
Ở nhóm tốt (xếp hạng từ 28 - 55): Việt Nam có 1 trụ cột là ứng dụng công nghệ thông tin ở vị trí 41/141 và ở vị trí thứ 3 trong ASEAN 4 (sau Singapore, Malaysia, và Brunei);
Ở nhóm khá (xếp hạng từ 56 - 83): Đây là nhóm cần được ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới với 7 trụ cột, trong đó, 3 trụ cột tăng điểm và thứ hạng: thị trường sản phẩm ở vị trí 79/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9 (tức so sánh trong nhóm 9 nước). Thị trường lao động ở vị trí 83/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Năng lực đổi mới sáng tạo ở vị trí 76/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9.
Một trụ cột không thay đổi điểm số và thứ hạng là ổn định kinh tế vĩ mô giữ ở mức 75 điểm, thứ hạng 64 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9.
Ba trụ cột giảm thứ hạng là hệ thống tài chính ở vị trí 60/141 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9. So với GCI năm 2018, chỉ số này đã giảm 1 bậc, mặc dù tăng 6 điểm. Cơ sở hạ tầng ở vị trí 77/141 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9. So với GCI năm 2018, chỉ số này đã giảm 5 bậc mặc dù tăng 0,5 điểm. Y tế ở vị trí 71/141 và vị trí thứ 5 trong ASEAN 9.
Ở nhóm trung bình (xếp hạng từ 84 - 111): Mặc dù 3 trụ cột ở nhóm này đều tăng điểm và tăng thứ hạng, song mức tăng vẫn chưa đủ để đưa 3 trụ cột lên vị trí cao hơn. Do vậy, các trụ cột thuộc nhóm trung bình này cần được ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới. Thể chế ở vị trí 89/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Mức độ năng động trong kinh doanh ở vị trí 89/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Kỹ năng ở vị trí 93/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo các nghị quyết của Quốc hội, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết tiếp nối các Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai thực hiện.
Mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; an toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia hiện nay.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhà nghiên cứu kinh tế Đào Công Thành (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020).
Tập trung khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì, phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Thực trạng chồng chéo trong quy định về quyền hạn, nghĩa vụ giữa các cơ quan chức năng cũng như chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật là một rào cản rất lớn trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh quốc gia hiện nay.
Chú trọng khắc phục các trụ cột thuộc nhóm trung bình trong thời gian tới. Trong đó, phải xác định hoàn thiện thể chế là ưu tiên trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn này. Một thể chế thông thoáng, đồng bộ sẽ tạo đòn bẩy giúp chúng ta thuận lợi hơn trong việc nâng tầm các chỉ số còn lại.
Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn, như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa.