Thứ Hai, 25/11/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 3/12/2017 17:9'(GMT+7)

Giải pháp nào cho Việt Nam để quản lý hiệu quả đồng tiền ảo?

Đồng bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, về các giải pháp Việt Nam cần thực hiện để quản lý hiệu quả tiền điện tử/tiền ảo.

- Một số nước trên thế giới như Nhật Bản, cũng như một số định chế tài chính và doanh nghiệp chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán và hình thức đầu tư hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam lại không công nhận đây là đồng tiền hợp pháp. Ông có thể chỉ ra những rủi ro tài chính của tiền ảo; trong đó có Bitcoin đối với nền kinh tế Việt Nam? 

Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Trước hết Bitcoin không có người phát hành chính thức, hoặc có người phát hành chính thức thì các đơn vị phát hành cũng chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đến việc phát hành tiền, còn không chịu trách nhiệm cho giá trị của đồng tiền và sự lên xuống của đồng tiền đó.

Vì vậy hầu hết các quốc gia trên thế giới về mặt chính thức không công nhận Bitcoin là đồng tiền. Ngay tại Nhật Bản, quốc gia cho phép các sàn giao dịch Bitcoin hoạt động thì đồng tiền điện tử này cũng chỉ được coi như một hình thức thanh toán trong một số lĩnh vực đầu tư, chứ không phải cho tất cả các lĩnh vực.

Các sàn giao dịch này cũng phải được đăng ký với cơ quan quản lý, còn các hoạt động chuyển đổi từ tiền điện tử sang tiền thật cũng chịu sự giám sát bởi một cơ quan đặc biệt.

Theo tôi, Bitcoin có thể mang lại những rủi ro nhất định với nền kinh tế. Trước tiên, Bitcoin và các loại tiền ảo khác lên xuống thất thường theo thị trường và theo các loại tin đồn, theo yếu tố chính trị, trong khi chính phủ của các quốc gia không thể can thiệp để đảm bảo giá trị của các đồng tiền đó.

Vì vậy, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể gây nên các đợt đầu tư ảo và mất giá ảo rất lớn, đồng thời làm cho các hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường có thể bị khủng hoảng.

[VNCERT phát lệnh rà soát mã độc ‘đào’ tiền ảo bất hợp pháp]

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư tiền ảo không những không đem lại các giá trị thực sự cho nền kinh tế mà còn có thể tác động lên đời sống kinh tế-xã hội nhất là khi Bitcoin bị “lao dốc” giá trị khiến nhà đầu tư bị mất hết vốn. Trong khi đó, nếu lượng tiền đổ vào Bitcoin và các loại tiền ảo khác được đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ tạo ra năng suất lao động, công ăn việc làm và sự phát triển thật cho nền kinh tế.

Đặc biệt, thông qua việc mua bán giao dịch Bitcoin, hoạt động trốn thuế, rửa tiền, chảy máu ngoại tệ hoàn toàn có thể xảy ra vì trên thực tế hoạt động giao dịch Bitcoin tại nhiều quốc gia không được quản lý, kiểm soát bởi một cơ quan chức năng nào cả. Tính không chính danh của tiền ảo đã làm cho "tiền bẩn" hay "tiền sạch" cũng như nhau khi mua trên các sàn giao dịch trực tuyến.

Như vậy, việc kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp, tội phạm rửa tiền sẽ khó kiểm soát. Thực tế là nhiều quốc gia đã phát hiện tình trạng rửa tiền, trốn thuế thông qua hoạt động đầu tư Bitcoin và tiền ảo.

- Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1255 ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ?

Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: 
Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu các hoạt động về tiền ảo để có biện pháp quản lý và xử lý phù hợp. Đây là các bước mà Chính phủ thực hiện để bắt kịp với các thay đổi trên thế giới về mặt tài chính và tiền tệ.

Về mặt nguyên tắc, Quyết định này là động thái về nghiên cứu, không phải động thái dọn đường để công nhận tiền ảo như một số bài viết trên mạng xã hội.

- Với thực trạng của kinh tế Việt Nam hiện nay thì cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đã không công nhận tiền ảo; trong đó có Bitcoin là công cụ thanh toán. Vậy theo ông đâu là lý do chính của việc Việt Nam không công nhận loại tiền này?

Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo bởi tiền ảo không được bất kỳ một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế có uy tín đứng ra đảm bảo thanh toán như là một công cụ tài chính, công cụ thanh toán như các đồng tiền thực sự khác. Vì vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không có giá trị pháp lý đứng đằng sau.

Các đồng tiền ảo này có thể do bất kỳ ai tạo ra, có thể tồn tại 1 tháng, 1 năm hoặc 10 năm và lâu hơn nhưng lại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không rõ cơ chế hoạt động và không có giá trị thực sự đảm bảo. Ví dụ như, trong một ngày, giá 1 đồng Bitcoin có thể tăng cả nghìn USD nhưng ngay lập tức có thể mất giá cả nghìn USD trong khi chính phủ các nước không thể quản lý và điều phối được đồng tiền ảo này.

- Thực tế việc kiểm soát tiền ảo là rất khó, vậy trên thế giới đã có những bài học kinh nghiệm gì để ứng phó với vấn đề này mà Việt Nam có thể học hỏi thưa ông?


Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh: Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam cần nghiên cứu xem xét nắm được cách thức phát hành và cơ chế hoạt động, các nhân tố tác động đến giá trị của các đồng tiền ảo này để có cách thức ứng xử phù hợp với tiền ảo; trong đó có Bitcoin.

Bitcoin có thể được coi là đồng tiền của một cộng đồng cụ thể nào đó, nhưng nó chỉ có giá trị ở cộng đồng đó. Việc chuyển hoá Bitcoin và các loại tiền ảo khác từ cộng đồng đó ra toàn xã hội lại là vấn đề cần phải xem xét nghiêm ngặt.

Ngay cả các quốc gia có các công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tốt như Nhật Bản, việc chuyển hoá tiền ảo từ lĩnh vực đầu tư sang tiền thật cũng phải qua các cơ quan quản lý nghiêm ngặt và chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực đầu tư.

Vì vậy, với Việt Nam, việc học hỏi các chính phủ khác để quản lý tiền ảo là việc rất cần thiết.

Do tiền ảo có thể trở thành phương tiện để lừa đảo với cộng đồng dân cư, nên giải pháp theo tôi là phải hướng dẫn cộng đồng dân cư đầu tư tiền của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào đầu tư thực, đem lại năng suất lao động cao hơn, đem lại tài sản lớn hơn cho xã hội cũng như sức sản xuất mới cho nền kinh tế thay vì đầu tư vào tiền ảo đầy rủi ro. Từ đó có thể mất sạch vốn ban đầu cũng như tạo ra những hệ lụy nhất định với kinh tế - xã hội.

[Khuyến cáo về các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo]


Thêm nữa, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền ảo, tổ chức các sàn giao dịch tiền ảo. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát trên mạng xã hội, từ đó có các biện pháp quản lý, các chế tài nghiêm khắc với các đối tượng cố tình lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin đầu tư tài sản, tiền vốn vào tiền ảo để tránh xảy ra các vụ khủng hoảng tài chính tiền tệ như ở Gia Lai năm 2016.

Đây là các giải pháp mà cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa vì thời gian gần đây các hoạt động mua bán Bitcoin, đào Bitcoin đang phát triển rầm rộ. Nếu không cẩn thận một lượng ngoại tệ lớn có thể “chảy” ra nước ngoài theo con đường Bitcoin.

Tuy nhiên, theo tôi, với xu thế phát triển của tiền điện tử trên thế giới hiện nay, ở một phương diện nào đó, Việt Nam có thể xem xét Bitcoin như một bộ phận của phương thức thanh toán và giới hạn chỉ trong một vài lĩnh vực cụ thể nào đó như vui chơi giải trí./.
Theo TTXVN




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất