(TG)-Năm 2012 là năm thứ tư Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) trên cơ sở nền tảng và các kết quả hoạt động liên tục trong suốt 13 năm (từ 1996 - 2008) của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Với những đổi mới về cơ cấu và tiêu chí đánh giá, GTCLQG ngày càng được nâng cao về tầm cỡ, giá trị và là chuẩn mực để các doanh nghiệp phấn đấu hướng tới.
Tăng số lượng Giải vàng
GTCLQG được thực hiện từ năm 2009 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Tiền thân là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN) đã được Bộ KH&CN triển khai từ năm 1996. Giải thưởng cao quý này do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
GTCLQG của Việt Nam được thiết lập trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của GTCLQG của Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige Award - MBA), gồm: Vai trò lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động và kết quả hoạt động. Đây cũng là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn đề nghiên cứu, học tập và xây dựng cho thành giải thưởng chất lượng quốc gia của mình. Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQO) thiết lập.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) tham gia được đánh giá theo 7 tiêu chí của GTCLQG đối với từng loại hình và theo phương pháp đánh giá cho điểm. Tổng số điểm tối đa của 7 tiêu chí là 1000 điểm. DN được xét tặng GTCLQG phải có số điểm từ 600 điểm trở lên (DN được xét Giải Vàng Chất lượng Quốc gia phải có tối thiểu 800 điểm trở lên). Giải Vàng Chất lượng Quốc gia được xét tặng cho các DN xuất sắc nhất theo tuyển chọn của Hội đồng Quốc gia. Ngoài ra, Giải Vàng Chất lượng Quốc gia có số lượng tối đa là 20 giải cho cả 4 loại hình doanh nghiệp gồm: DN sản xuất lớn, DN sản xuất vừa và nhỏ, DN dịch vụ lớn, DN dịch vụ vừa và nhỏ.
So với các năm trước, GTCLQG năm 2012 có sự thay đổi cơ bản. Đó là việc Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BKHCN ngày 01 tháng 6 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về GTCLQG. Các nội dung sửa đổi này bao gồm: tăng số lượng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia từ 12 giải lên 20 giải; không quy định số lượng tối đa Giải Vàng cho mỗi loại hình doanh nghiệp tham dự; không giới hạn số lượng Giải Vàng trong mỗi ngành nghề hoạt động thuộc một loại hình doanh nghiệp tham dự. Việc sửa đổi này là dựa trên yêu cầu thực tiễn triển khai hoạt động giải thưởng trong nhiều năm để thu hút và tôn vinh nhiều hơn nữa các doanh nghiệp xứng đáng trao giải hàng năm.
Thực tế cho thấy, chất lượng giải được trao cho các doanh nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Mặc dù năm 2012 số DN được lựa chọn trao giải có giảm so với các năm trước (67 DN) nhưng số giải Vàng lại tăng lên tới 17 giải, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt Giải GPEA.
Động lực phát triển cho doanh nghiệp
Khi được hỏi về Giải thưởng năm 2012, ông Vũ Văn Diện - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) – thành viên Hội đồng GTCLQG cho biết, mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn vươn lên, có doanh thu lớn, lợi nhuận cao, biết tận dụng mọi điều kiện hiện có để vượt qua. Tham gia Giải thưởng cũng là cơ hội để DN xem xét đánh giá, hoàn thiện lại mình, điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho chính DN đó.
Tiếp đó, khi tham gia Giải thưởng, các DN trước hết phải tự đánh giá, xem xét mình ở mức độ nào dựa trên một bộ tài liệu hướng dẫn gồm 7 tiêu chí và 19 hạng mục. DN sẽ được hội đồng sơ tuyển ở các tỉnh và thành phố xem xét đánh giá, thậm chí xuống tận các DN để đánh giá, thẩm định. “Trong quá trình đánh giá, chúng tôi sẽ khuyến cáo DN đạt và chưa đạt ở những điểm nào. Sau đó, chúng tôi sẽ chuyển sang hội đồng quốc gia, như vậy là thêm một lần đánh giá nữa qua các ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành”. Ông Diện chia sẻ.
Đối với các DN, GTCLQG không chỉ là “sân chơi” mang tính cạnh tranh mà còn là động lực để DN vượt qua khó khăn, thách thức và khẳng định mình trong điều kiện nền kinh tế hiện nay.
Ông Lê Thanh Khiêm – Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, năm 2012, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu gạo diễn biến phức tạp, khó lường. Việc tham gia giải thưởng đã mở đường cho Công ty có thêm động lực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Thời gian qua, Công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về mua tạm trữ và bao tiêu theo chương trình ”Cánh đồng mẫu lớn” với quan điểm ”kiên trì, chủ động tìm kiếm ký các hợp đồng trực tiếp với khách hàng” ông Khiêm bày tỏ.
Cũng theo ông Khiêm, năm 2012, tổng lượng nhóm gạo cao cấp của Công ty tăng mạnh với hơn 132.600 tấn, đạt 55% kế hoạch đề ra, riêng mặt hàng gạo cao cấp xuất bằng container đạt hơn 53.000 tấn. Ngoài ra, các cơ sở, xí nghiệp đã phát huy được tinh thần chủ động, tích cực tìm kiếm khách hàng, khai thác tốt hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, kho tàng để duy trì hiệu quả kinh doanh.
Còn đối với Công ty CP nước mắm Thanh Hương, Giải thưởng là sự khích lệ về mặt tinh thần lớn giúp DN vững bước vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Bá Thang – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty bày tỏ, GTCLQG được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng cho các doanh nghiệp mang nhiều ý nghĩa lớn. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài, Giải thưởng đã trở thành một phần thưởng lớn, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty CP nước mắm Thanh Hương nói riêng vững bước tiến lên phía trước.
Cũng theo ông Thang, đạt GTCLQG không những tạo cho DN tăng thêm uy tín trong sản xuất kinh doanh mà phần thưởng lớn hơn cả là từ mô hình của Giải thưởng, DN sẽ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, khoa học và sáng tạo hơn. “Những DN đạt Giải thưởng cũng đồng nghĩa được nhiều người biết đến, đặc biệt là người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều này sẽ tạo thêm sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của DN và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn”. Ông Thang nhấn mạnh.
Có thể nói, GTCLQG, ngoài việc tôn vinh các DN có nhiều thành tựu nổi bật trong sản xuất kinh doanh còn có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu. Giải thưởng còn giúp DN có điều kiện học hỏi, đánh giá, điều chỉnh và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngũ Hiệp