Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 27/7/2008 22:5'(GMT+7)

Giảm đầu tư công: chưa lượng hóa được tác động giảm lạm phát

Cầu Thủ Thiêm (ảnh minh họa)

Cầu Thủ Thiêm (ảnh minh họa)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư công đã cắt giảm tính đến ngày 15/7 vừa qua là khoảng 45.000 tỷ đồng, góp phần làm giảm lạm phát, nhưng không đưa ra được con số giảm lạm phát cụ thể là bao nhiêu…Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23/7 đã công bố kết quả kiểm tra cắt giảm đầu tư công với nhiều con số, vấn đề đáng chú ý. Và điểm đáng quan tâm nhất là báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư không có sự sai phạm của địa phương trong cắt giảm đầu tư, thứ hai là lượng vốn cắt giảm sẽ tác động giảm lạm phát nhưng chưa dự đoán được cụ thể giảm bao nhiêu. Vậy đằng sau các con số báo cáo này có những vấn đề gì cần đặt ra?

Tổng số tiền cắt giảm theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến ngày 15/7 vừa qua như sau: 64 địa phương và 36 bộ và cơ quan ngang bộ cắt giảm được gần 6.000 tỷ đồng, tương đương 8% lượng vốn trong kế hoạch năm nay; 15 tập đoàn và Tổng công ty cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng, trong đó các đơn vị cắt giảm lớn là Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Vinashin 6.500 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng hải 6.200 tỷ đồng, Tập đoàn dầu khí trên 6.600 tỷ đồng… Như vậy, cộng thêm 25% lượng vốn trái phiếu Chính phủ phải cắt giảm trong năm nay, thì tổng vốn đầu tư công đã cắt giảm là khoảng 45.000 tỷ đồng, một số vốn lớn đáng kể.

Điều đáng quan tâm là với số vốn lớn như vậy được cắt giảm, thì tác động như thế nào đến lạm phát? Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc dân Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích: “Đối với xây dựng cơ bản, khi chỉ số giá nói chung tăng trên dưới 20%, và đặc biệt, giá các vật tư phải nhập khẩu tăng 40%, thậm chí gấp đôi thì riêng việc đầu tư phát triển không tăng lên theo tốc độ trượt giá đã là giảm chi xây dựng cơ bản. Với 6.000 tỷ đồng của các Bộ, ngành trung ương giảm chi đầu tư, chuyển sang các dự án khác đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sẽ có hiệu quả đầu tư. Xét về tổng vốn đầu tư không có sự thay đổi, nhưng xét về tác động từ hiệu quả đầu tư đến tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát thì đó là kênh chống lạm phát. Xét về̀ đầu tư của các Tổng Công ty và Tập đoàn, hiện mới thống kế́ 15 đơn vị đã thấy mức cắt giảm là gần 30.000 tỷ đồng. (Còn khoảng gần 60 tập đoàn và đơn vị nữa chưa tổng hợp thống kê. Giả định lượng vốn cũng cắt giảm 30.000 tỷ đồng nữa thì tổng lên đến 60.000 tỷ đồng). Giảm cầu thì giảm căng thẳng giá, giá giảm thì lạm phát cũng giảm”.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, đầu tư vào 3 lĩnh vực nhạy cảm là tài chính – ngân hàng - chứng khoán và bất động sản của 15 tập đoàn khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương gần 5% tổng vốn kế hoạch năm nay. Điều đáng lưu ý là số vốn này mới tổng hợp từ 15 tập đoàn và Tổng công ty, còn khoảng trên 60 tập đoàn và tổng công ty nữa chưa được tổng hợp.

Trả lời câu hỏi “Đây có phải là vốn đầu tư ngoài ngành hay không?”, ông Lê Văn Học, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu Công nghiệp và Khu Chế xuất - Bộ KH&ĐT nói: “Giấy phép đăng ký kinh doanh thường đăng ký phạm vi rộng, nhưng rõ ràng là với những gì xảy ra thì cần có điều kiện chặt chẽ đối với việc đầu tư vốn của các tập đoàn kinh tế để có hiệu quả. Ngành điện thì phải tập trung vào điện, ngành than thì phải tập trung vào than, ngành thép phải tập trung vào thép, như thế mới mang lại hiệu quả”.

Về việc “Các tiêu chí cắt giảm đầu tư đã thống nhất hay chưa?”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiêu chí cụ thể dựa vào Quyết định 390 của Thủ tướng Chính phủ, đó là các công trình không đáp ứng được một nửa số vốn từ năm 2007 mà chưa cấp bách, thì phải tính đến giãn tiến độ, có tính tới các dự án ngừng và đình hoãn. Vì dựa vào khả năng cân đối vốn, những dự án dưới 50% thì không đủ vốn để hoàn thành được.

Điểm đáng lưu ý nữa theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn vay trên tổng vốn đầu tư của các tập đoàn chỉ là 52% vì vậy không đáng lo ngại về vấn đề nợ của khối đơn vị này. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ chế hoạt động của các tập đoàn, trong đó kiểm soát tổng vốn vay là bao nhiêu, số công ty con thành lập như thế nào, đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính bao nhiêu là vừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các địa phương về việc tổng hợp xây dựng kế hoạch 2009, trong đó có xây dựng cơ bản, và kế hoạch năm tới sẽ dựa trên cơ sở và những vấn đề rút ra từ năm nay. Trong đó có thể sẽ tính đến số dự án khởi công mới là thấp nhất trong tổng kế hoạch đầu tư. Thứ hai là những dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm thì cơ quan cho vay cũng đã áp dụng các biện pháp, trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng và chứng khoán./.

(VOV)


Số vốn và dự án theo đơn vị tính đến ngày 15/7/2008:

Đối với 64 địa phương: Tổng số dự án điều chỉnh là 1.884 dự án, tương ứng 5.662 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng vốn giao kế hoạch đầu năm của các địa phương. Trong đó số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai là 1.152 dự án, tương ứng 1.704 tỷ đồng; số dự án giãn tiến độ là 732 dự án, tương ứng 3.958 tỷ đồng.

Đối với 36 bộ và cơ quan trung ương: tổng số dự án điều chỉnh là là 84, tổng vốn 330 tỷ đồng. Trong đó, số công trình dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 51 tương ứng 177 tỷ đồng; số công trình dự án giãn tiến độ là 33 dự án tương ứng 152,6 tỷ đồng.

Đối với 15 Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước: Số dự án điều chỉnh là 1.003 dự án, với tổng vốn là 29.366 tỷ đồng, giảm 12,06% về giá trị so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, 761 dự án cắt giảm với số vốn 18.944 tỷ đồng; thực hiện hoãn khởi công và giãn tiến độ 242 dự án với tổng vốn là 10.422 tỷ đồng.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất