Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore, tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhận định với vai trò chủ nhà của APEC năm nay, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC.
Đánh giá các vấn đề và mục tiêu mà các quốc gia thành viên đã đề cập và thống nhất để đệ trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào cuối năm nay, tiến sỹ Bollard cho rằng năm vừa qua là một năm bận rộn và thành công, nhưng cũng là một năm phức tạp.
Việt Nam với vai trò chủ nhà đã đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của năm để có được những kết quả tốt nhất. Những sáng kiến của Việt Nam đưa ra đã được các nền kinh tế khác ủng hộ.
Các cuộc họp ở cấp nhóm làm việc, họp quan chức cấp cao và các cuộc họp cấp bộ trưởng trong cả năm vừa qua cho đến thời điểm này đều diễn ra khá thuận lợi.
Các bên đã thống nhất được nhiều vấn đề cơ bản, chủ yếu tập trung vào: cải thiện tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, cải thiện khả năng tăng trưởng bao trùm và bền vững, cải thiện khả năng đổi mới các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả câu chuyện về việc đảm bảo an ninh lương thực. Tất cả các sáng kiến đều sẽ được trình lên các nguyên thủ APEC để cho ý kiến chỉ đạo cuối cùng.
Là nước chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và được các quốc gia thành viên đồng tình, trong đó có sáng kiến về tăng trưởng bao trùm (kinh tế, tài chính và xã hội) và xây dựng một cơ chế thảo luận về tầm nhìn APEC sau 2020.
Nhìn nhận về các sáng kiến này, ông Bollard cho biết tại cuộc gặp ở Lima, Peru hồi cuối năm 2016, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí rằng họ muốn thấy nhiều việc được triển khai hơn nữa nhằm hướng tới một Cộng đồng APEC bao trùm hơn.
Lý do là vì họ ghi nhận các nền kinh tế APEC đã hưởng lợi nhiều như thế nào về tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng họ cũng lưu ý về thực tế rằng một số lĩnh vực kinh tế được cải thiện nhưng một số lĩnh vực khác lại đang chịu tổn thất nặng nề từ tiến trình toàn cầu hóa.
Họ muốn thúc đẩy không chỉ những việc để giúp mọi người hưởng lợi nhiều hơn mà cả những việc như xác định đâu là những chi phí phải trả trong tiến trình toàn cầu hóa, làm sao để giảm thiểu các chi phí này và phát triển kinh tế tốt hơn.
Theo tiến sỹ Alan Bollard, rõ ràng là tất cả mọi người đều đồng ý rằng tăng trưởng bao trùm - mọi người đều hưởng lợi - là điều tốt, song việc làm thế nào để có tăng trưởng bao trùm lại là một vấn đề rất phức tạp.
Việt Nam đã khởi động một số vòng đối thoại và đưa ra một số sáng kiến để tìm hiểu về tính bao trùm trong phát triển kinh tế, làm sao thương mại có thể giúp phát triển kinh tế, tính bao trùm trong tài chính, ai là người hưởng lợi trong những đầu tư nhất định, cũng như là tính bao trùm trong xã hội, đâu là những tác động đến cộng đồng và chính phủ có thể làm gì liên quan đến những tác động đó. Như vậy có thể nói có rất nhiều đầu việc có thể được nêu ra tại kỳ họp lãnh đạo APEC sắp tới này.
Về vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn cũng như việc tổ chức các hội nghị APEC, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC cho rằng vì Việt Nam là nước chủ nhà nên Việt Nam có thể đặt ra chương trình nghị sự, chủ đề, các ưu tiên và làm việc với các nền kinh tế khác nhau để thảo luận về khả năng hiện thực hóa những mục tiêu khác nhau trong mỗi lĩnh vực.
Việt Nam sẽ là nước “cầm cương” cho tiến trình phát triển, và sẽ phải xác định đâu là những mục tiêu khả thi và đâu là bất khả thi cũng như những mục tiêu nào sẽ cần phải nhiều năm mới thực hiện được.
Và Việt Nam cũng sẽ khởi động nhiều chương trình để các nước chủ nhà APEC tiếp theo tiếp quản như Papua New Guinea vào năm 2018, Chile năm 2019. Việt Nam đã và đang thảo luận với các quốc gia này về việc làm sao đảm bảo những chương trình khởi động từ Việt Nam sẽ tiếp tục được phát triển, đặc biệt là trong chủ đề phát triển bao trùm.
Trong bối cảnh thời hạn Mục tiêu Bogor 2020 sắp đến, khi được hỏi về những thách thức mà các quốc gia thành viên phải đối mặt để có thể hoàn thành các mục tiêu này cũng như xây dựng tầm nhìn và mục tiêu cho APEC sau 2020, tiến sỹ Bollard cho biết mục tiêu Bogor của APEC vốn luôn là những cái đích lớn mà chúng ta đã và đang cố gắng phấn đấu hướng tới.
Đã có những nền kinh tế tiến được đến khả năng có nền thương mại tự do và mở cửa vào năm 2020. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, mục tiêu vào năm 2020 và chúng ta còn một vài năm nữa mới đến hạn đó.
Nhưng sau thời hạn đó, một số dự án sẽ kết thúc vào năm 2020, trong khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trong bối cảnh này, các bên đã thống nhất về một cơ chế thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu về những vấn đề này và báo cáo lại với APEC để giúp các nền kinh tế xác định rõ hơn về hướng đi tiếp theo để đạt được các mục tiêu Bogor tốt hơn nữa.
Tiến sỹ Alan Bollard nhận định nhiều khả năng các nền kinh tế APEC sẽ tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử cũng như thương mại truyền thống.
Liệu rằng các bên sẽ dành nhiều tập trung hơn vào các thỏa thuận thương mại đã và đang hiện hữu trong khu vực, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới, Liên minh Thái Bình Dương (AP), Khu vực mậu dịch tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP); hay liệu rằng các nền kinh tế sẽ tập trung hơn vào câu chuyện phát triển bao trùm và xem xét khả năng tham gia của mọi thành phần xã hội vào trong mỗi nền kinh tế.
Đấy đều là những con đường khác nhau để các thành viên APEC có thể phát triển. Như vậy, có thể thấy trong năm 2017, với tư cách là chủ nhà APEC, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC./.
Việt Dũng (TTXVN)