Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 26/8/2020 14:41'(GMT+7)

Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Xã Hồng Thái của huyện Na Hang nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, đất rộng, người thưa, bình quân 90 người/km2 cho nên rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc. Toàn xã có 312 hộ gia đình chủ yếu là người Dao và H’Mông, trong đó có 221 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi và trồng rau trái vụ. Tất cả các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cho nên không có hộ vay vốn nào để nợ quá hạn. Điển hình như gia đình chị Bàn Thị Nái ở thôn Nà Mụ được bình bầu là hộ vay vốn làm kinh tế giỏi của xã. Năm 2017, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để mua hai con trâu sinh sản. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh, chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, đến nay gia đình chị đã có đàn trâu tám con. Với giá bán như hiện nay khoảng 20 triệu đến 25 triệu đồng/con, gia đình chị không chỉ trả đủ vốn vay mà còn có số tiền kha khá để tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn, nuôi gà mái đẻ lấy trứng. Chị Nái cho biết thêm: “Nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện và khá lên. Không chỉ được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, các hộ nghèo còn được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, qua đó giúp người dân biết cách sử dụng hiệu quả đồng vốn vay”.

Gia đình anh Lầu Văn Nó, dân tộc H’Mông ở thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long, huyện Na Hang là một trong những hộ nghèo đầu tiên trong thôn được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH vào năm 2012. Với 10 triệu đồng vốn vay ưu đãi, anh Nó mua một con trâu cái sinh sản. Hơn một năm sau, gia đình anh đã hoàn trả trước hạn số tiền vay và tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để mua thêm trâu, bò, mở rộng phát triển chăn nuôi. Từ đất vườn tạp, anh chuyển sang trồng cỏ, ngô bổ sung vào nguồn thức ăn cho gia súc và kết hợp cách thức chăn thả với nuôi nhốt chuồng để vỗ béo cho trâu, bò. Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình anh đã lên đến 20 con. Trong đó, một con bò cái lai Bra-xin nặng hơn bảy tạ, đã cho 10 con giống, được thương lái định giá khoảng 90 triệu đồng. Số còn lại trọng lượng từ ba đến năm tạ/con, tổng tài sản gia đình ước đạt gần 400 triệu đồng. Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, dân tộc Tày ở thôn Nà Khá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình từng là hộ đặc biệt khó khăn. Cả gia đình có bảy nhân khẩu, thu nhập chỉ biết trông vào năm sào ruộng. Không có vốn để sản xuất, nơi ở là căn lều tạm bợ ven suối, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi gia đình anh. Năm 2015, nhờ được vay 38 triệu đồng vốn Ngân hàng CSXH, anh Hồng mua một cặp trâu sinh sản. Cứ ba năm trâu nái lại sinh được một đôi nghé, nhờ đó gia đình anh đã thoát nghèo bền vững. Hiện gia đình anh đã dựng được căn nhà sàn vững chãi.

Lâm Bình là huyện vùng cao và khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang với 98% số dân là người DTTS. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chung tay phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, lãnh đạo Ngân hàng CSXH đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay. Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình Hoàng Lê Na cho biết: “Ngân hàng tập trung xử lý dứt điểm nợ tồn đọng nhận bàn giao, xử lý nợ quá hạn phát sinh; công khai tới khách hàng về các thủ tục quy trình nghiệp vụ, những cơ chế chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, quy trình cho vay của từng chương trình tín dụng, niêm yết danh sách khách hàng dư nợ, lãi suất cho vay, mức cho vay, kế hoạch giải ngân tại các xã; duy trì điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng đến giao dịch. Từ đó chất lượng các chương trình tín dụng ngày càng được nâng lên”. Trong quá trình thực hiện, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình còn tích cực thực hiện việc huy động nguồn vốn do Ngân hàng CSXH Trung ương cân đối và nguồn vốn nhận ủy thác hằng năm của tỉnh, huyện để mở rộng đối tượng cho vay theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện như cho vay phát triển du lịch cộng đồng (homestay), nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, gói vay sản xuất, kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn, vay làm nhà ở xã hội,... đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết năm 2019, dư nợ đạt hơn 292 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,04%. Đây là Phòng giao dịch có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất thuộc hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ khẳng định, lãnh đạo đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị nhận ủy thác để triển khai cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách bảo đảm an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 23,33% năm 2016 xuống còn 11,8% năm 2019. Qua đó tạo việc làm ổn định cho 6.261 lao động là đồng bào DTTS và các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác; hơn 1.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng 51.361 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.836 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; 17.584 lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh... Việc nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH đến đúng đối tượng đã góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang./.

Theo nhandan.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất