Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 7/6/2014 21:24'(GMT+7)

Giảm nghèo cần gắn với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng

Bà Phạm Thị Trung, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Bà Phạm Thị Trung, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới

Khẳng định trong nỗ lực giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn là một chủ trương được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ: Do 90% người nghèo sống ở nông thôn và gắn với nông nghiệp nên những nỗ lực về phát triển nông nghiệp nông thôn đã có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo nhất là giúp cho người nghèo có thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao thường là những vùng có điều kiện khó khăn, thiếu đất sản xuất nông nghiệp và diện tích đất chất lượng thấp lớn; thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp; thiếu đường giao thông để bà con tiếp cận thị trường,....

Để tiếp tục xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo sản xuất nông lâm ngư nghiệp và tiêu thụ được sản phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần tập trung hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao phát triển giao thông, thông tin liên lạc; lựa chọn cây trồng, vật nuôi, hàng hóa có lợi thế, tiếp cận thị trường thuận lợi; tăng cường hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; tạo điều kiện để hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất nâng cao thu nhập; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh ở các vùng nghèo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: trong thời gian tới nên tập trung bổ sung nguồn lực vào hai chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo; trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp để tăng thu nhập cho hộ nghèo để khi có thu nhập cao hơn, người dân có thể giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nêu quan điểm: Ngoài việc xây dựng đường giao thông huyết mạch kinh tế để tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tu bổ hệ thống kênh mương, từng bước đáp ứng tốt hơn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ vốn để bảo hiểm sản vật nông nghiệp; có chế độ ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến nông sản ở vùng nông thôn để vừa tiêu thụ sản vật, vừa giải quyết việc làm cho người dân…

Tiếp tục có những hỗ trợ đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số

Xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung được các đại biểu Siu Hương (Gia Lai), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Nguyễn Trung Thu (Long An)... quan tâm.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách về giảm nghèo đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó tập trung về vấn đề đất đai, tăng đầu tư cho các huyện, xã nghèo xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi; bố trí đủ nguồn lực cho địa phương để hoàn thành các chương trình dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.


Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ ưu tiên tăng nguồn lực để phân bổ thực hiện chính sách giảm nghèo cho vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp đối với các nhóm đối tượng; tăng kinh phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng nhất là đầu tư giao thông, đầu tư điện lưới cho các thôn vùng cao; hoàn thiện cơ sở vật chất để các thôn nghèo, xã nghèo thoát nghèo bền vững.

Làm rõ hơn về việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhận định: thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc nghèo nói riêng, tạo sự chuyển biến trong vùng đồng bào dân tộc.

Trình độ dân trí, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc đã có sự khởi sắc. Một số điểm vùng đồng bào dân tộc đã tiếp cận được với thông tin chung của cả nước. Tuy nhiên với tư cách là người đứng đầu về công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử bày tỏ sự băn khoăn trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn chiếm đến 59,2% so với tỷ lệ của cả nước.

Bộ trưởng dẫn chứng: Tỷ trọng người nghèo trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng gia tăng. Theo số liệu, tính đến năm 2013, cả nước còn 2.068 xã, 3.506 thôn, bản đặc biệt khó khăn, nằm rải rác trong 52 tỉnh, thành phố có dân tộc thiểu số sống. Tại 61 huyện nghèo và các huyện được hưởng chính sách tương đương như huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn chiếm tới 83%. Một số dân tộc chiếm tỷ lệ nghèo cao là dân tộc Mông (trên 90%). Hơn 300.000 hộ thiếu đất sản xuất do di cư, đói giáp hạt, đói kinh niên. về chất lượng nguồn nhân lực, số người dân đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo chiếm 86,21%...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có chính sách, cơ chế tiếp tục hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng đề xuất các chính sách cần tập trung vào việc rà soát lại các vùng địa bàn trọng điểm về nghèo đói, trên cơ sở xây dựng một bộ tiêu chí riêng, phù hợp cho mỗi vùng; ổn định dân cư, đầu tư nguồn lực cho đồng bào khó khăn ở những nơi chuẩn bị di cư; hướng dẫn đào tạo nghề, xây dựng các ngành phù hợp với lợi thế vùng để giúp đồng bào thoát nghèo...

Bộ trưởng cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần có Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam; trong đó tập trung hỗ trợ cho các dân tộc đặc biệt khó khăn; Quốc hội cần quan tâm xây dựng, giám sát các chính sách đã được ban hành...

Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia


Quốc hội cần tiếp tục bổ sung vốn, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường tuần tra biên giới là ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng). Theo đại biểu, có đường tuần tra biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo khu vực biên giới, để người dân yên tâm bám trụ, cùng quân đội gìn giữ biên cương Tổ quốc.

Cùng quan điểm trên, Triệu Là Pham (Hà Giang) nêu ý kiến: Song song với việc có chính sách đầu tư đóng tàu thuyền với công suất lớn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, Chính phủ cần có chính sách tập trung ưu tiên đầu tư kinh tế xã hội trên tuyến biên giới, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng tuyến biên giới ổn định hữu nghị, hợp tác và phát triển, trong đó có việc khẩn trương hoàn thiện tuyến đường tuần tra biên giới để bảo đảm cho các lực lượng tuần tra biên giới xử lý các vấn đề nhanh, hiệu quả, kịp thời; đẩy nhanh việc rà phá bom mìn trên các tuyến đường biên giới để lấy đất sản xuất cho người dân...

Thể hiện quan điểm cần bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, đạo biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nêu kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển hải đảo, nhất là trong tình hình phức tạp tại biển Đông hiện nay.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất