Thứ Tư, 4/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 4/10/2016 21:8'(GMT+7)

Giám sát chuyên đề hiệu quả chính sách phát triển khoa học công nghệ

Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hệ thống văn bản pháp luật được đổi mới và không ngừng hoàn thiện

Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ trong giai đoạn 2005-2015, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ đã được đổi mới và không ngừng hoàn thiện.

Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước."

Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong những ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong điều kiện khó khăn nhưng Nhà nước vẫn dành đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách.

Nguồn nhân lực khoa học công nghệ tăng nhanh về số lượng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được củng cố, góp phần lành mạnh hóa môi trường nghiên cứu và kinh doanh.

Tuy nhiên, việc ban hành thực hiện chính sách phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo giai đoạn 2005-2015 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư cho khoa học công nghệ chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, chưa có cơ chế, chính sách huy động được nguồn lực xã hội. Thị trường khoa học công nghệ phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Kết quả tính toán cho thấy giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào GDP giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% GDP vào năm 2020 là khả thi.

Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra. Bên cạnh đó, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin-viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính-ngân hàng, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Để tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt là để phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, đoàn giám sát kiến nghị trong giai đoạn từ nay đến 2020, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải thực sự đóng vai trò là quốc sách, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Cụ thể, Chính phủ cần sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến phát triển khoa học công nghệ để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018 cho phù hợp với tình hình phát triển của thực tiễn và các Hiệp định tự do thương mại Việt Nam mới gia nhập; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ...

Về phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, đoàn giám sát đề nghị trong năm 2017, Chính phủ rà soát, xây dựng, sửa đổi các đạo luật liên quan để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; đánh giá nghiêm túc, khoa học về sự suy giảm của ngành cơ khí chế tạo, nhất là những ngành, lĩnh vực đã có vị trí xứng đáng một thời, từ đó trong năm 2018 đề xuất giải pháp phù hợp; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ, sản phẩm trọng yếu, mũi nhọn trong ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo...

Cần thiết ban hành Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo giám sát được xây dựng công phu, trách nhiệm, với nhiều thông tin, số liệu đầy đủ. Đảng và Nhà nước đã khẳng định cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong thời gian qua đã đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong giai đoạn tới, nhất là quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung giám sát là rất lớn vì vậy cần làm rõ nội hàm của chủ đề giám sát. Cụ thể, cần đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật để thúc đẩy khoa học công nghệ và đánh giá các chính sách về khoa học công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Với các chính sách chưa đúng, chưa đủ, cần đề xuất bổ sung, làm rõ.

Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học công nghệ là hết sức đúng đắn nhưng việc thực thi vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đoàn giám sát cần đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân; trách nhiệm Chính phủ, các bộ ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ; trả lời được các câu hỏi liên quan đến việc vì sao hầu hết các doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cũng chưa có động lực để đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ trong khi doanh nghiệp lại là chủ thể của quá trình này? trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam lạc hậu ở mức độ nào so với các nước trong khi vực và trên thế giới?... để tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Đồng thời, một số ý kiến đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả hoạt động của khoa học, công nghệ đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đoàn giám sát cần nghiên cứu bố cục lại báo cáo giám sát, trong đó đánh giá, phân tích rõ tình hình, kết quả phát triển khoa học công nghệ trong thời gian qua, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, giải pháp khắc phục, nhất là xây dựng định hướng về phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến quản lý tài chính đối với khoa học công nghệ; đánh giá mối liên hệ giữa khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, quốc phòng, an ninh... để tạo nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ.

Tán thành với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, các đại biểu đề nghị đoàn giám sát cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và báo cáo giám sát để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất