Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều lãnh sự quán, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là hội nghị đầu tiên giới thiệu bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có tất cả 11 chương với 120 điều.
GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết bản Hiến pháp này đã đạt được các mục đích, yêu cầu đặt ra là thể chế hóa những đường lối, chính sách lớn của Đảng; ghi nhận những thành tựu của hơn 25 năm đổi mới; xứng tầm của một bản Hiến pháp mang tính ổn định, lâu dài.
Những sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp rất căn bản, sâu sắc, khẳng định con đường chúng ta đi theo là đúng, được nâng lên tầm cao hơn, tạo điều kiện cho bước phát triển mới của đất nước.
Về chế độ chính trị, TS Vũ Văn Nhiêm, Phó Trưởng khoa Luật Hành chính-Nhà nước (trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng nội dung cơ bản vẫn được giữ nguyên nhưng đã có sự ngắn gọn và súc tích hơn. Cách thể hiện trong các điều hợp lý hơn, thể hiện được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Trong khi đó, mô hình Nhà nước được giữ nguyên, nhưng những quy định hoạt động của bộ máy Nhà nước được đổi mới hơn so với Hiến pháp năm 1992.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 rất hay khi đã gộp chương II và chương III của Hiến pháp 1992, thể hiện được sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các vấn đề khác của xã hội. Việc thêm nội dung môi trường là một điểm mới, rất phù hợp thực tế. Đó là những yêu cầu tất yếu của xã hội hiện nay.
Theo các đại biểu, một trong những thành công lớn nhất của Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 là ở chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.”
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Thành viên Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần cốt lõi của bản Hiến pháp là quyền con người và quyền cơ bản của công dân. Điều đó thể hiện được sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, nội dung và kỹ thuật lập hiến. Việc chương II có nhiều điều là do Hiến pháp muốn xác định xuyên suốt, chi tiết, rõ ràng để việc thực hiện được thuận lợi.
Cùng quan điểm, ông Phan Trung Lý khẳng định Hiến pháp mới đã quy định rõ, tách bạch giữa quyền con người với quyền và nghĩa vụ của công dân. Con người, Nhân dân được đặt vào trung tâm của sửa đổi Hiến pháp, khẳng định “nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Lần đầu tiên chữ Nhân dân được viết hoa trong Hiến pháp đã thể hiện rõ điều đó.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Bản Hiến pháp đã có nhiều nội dung mới, mang tính căn bản như quy định rõ những cơ quan nào thực hiện quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp; quy định về hội đồng bầu cử quốc gia; xác lập quyền hạn của Chủ tịch nước rõ ràng hơn; quy định rõ hơn về quyền sử dụng đất, thu hồi đất.../.