Là những ngư dân can trường ngày đêm bám biển, với họ biển không chỉ
mang lại nguồn cá tôm, mà chính là nhà, là quê hương xứ sở. Dù nhiều lúc
gặp khó khăn, hoạn nạn song họ vẫn vững tin vươn khơi với quyết tâm son
sắt “giữ biển như giữ trái tim mình”.
Không rời xa biển
Sáng sớm trên bến cảng Thọ Quang, TP. Đà Nẵng, hàng trăm tàu cá vào
ra tấp nập, tiếng nói cười rạng ngời của bà con ngư dân xua tan đi cái
lạnh của buổi sớm mai.
Gương mặt cương nghị, da sạm mùi biển mặn, ngư dân Trần Văn Mười
(phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết: Mặc dù một năm gặp nhiều khó
khăn, song hành trình chuyến biển cuối năm tàu đạt hiệu quả tương đối
tốt, có chi phí cho gia đình, bạn thuyền sắm Tết, nên ai cũng vui. Sau
chuyến biển này, chúng tôi tạm xa biển 15 ngày để mọi người về quê đón
Tết, về nhà cũng vui, nhưng vẫn nhớ biển lắm…
Kể về nghề biển, ngư dân Trần Văn Mười tâm sự ông yêu và gắn bó với
biển từ những câu chuyện về biển của cha mình. “Ngày đó, mỗi lần đi biển
về, cha tôi lại kể về những ngày được khám phá những chân trời mới,
những cảnh đẹp êm đềm của buổi sớm mai trên biển, là niềm vui khi tìm
được luồng cá và tình người trên biển…”.
Vì nghề biển của người cha đã ngấm vào máu thịt nên sau khi tốt
nghiệp đại học và đi làm ở một công ty nhưng ông quyết định nghỉ làm, về
cùng cha đi biển. “Những chuyến vươn khơi trên vùng biển Tổ quốc, tôi
mới cảm nhận được rõ nét hơn tình yêu đối với biển, đó là niềm cảm hứng
không bao giờ vơi cạn”.
Gia đình có truyền thống vươn khơi bám biểm, coi biển như là máu thịt
mình. Thế nên dù gặp khó khăn, hoạn nạn, như cơn bão Chan Chu mười năm
trước dù đã làm nhiều người dừng nghề biển, nhưng gia đình ông vẫn tiếp
tục vươn khơi.
“Số phận người đi biển nhỏ bé lắm, nằm lại trên biển là chuyện có thể
xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên gia đình tôi đã xác định mình sinh ra
từ biển thì chỉ biết gửi tình yêu vào biển mà thôi, không bao giờ bỏ
biển”, ông Trần Văn Mười trầm giọng.
Thoăn thoắt đôi tay đan lại những mắt lưới rách trước khi kéo neo,
ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói: “Mấy tháng
rồi biển động, tàu chỉ đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ. Bây giờ lặng gió, biển
êm, chúng tôi chuẩn bị thẳng tiến ra Hoàng Sa.
50 tuổi với hơn 30 năm đạp sóng bạc Hoàng Sa, thuyền trưởng Lê Văn
Chiến đã bao lần vượt sóng to gió cả, bão tố, lốc xoáy, tàu nước ngoài
đe dọa nhưng không làm vơi đi tình yêu của ông đối với biển.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ngư nghiệp
lâu đời. Năm 13 tuổi, ông đã đi biển. Năm 21 tuổi, ông được cha chính
thức giao cho làm thuyền trưởng con tàu 60 CV cùng hơn 10 lao động rong
ruổi khắp ngư trường Hoàng Sa theo luồng cá, thoả nguyện vùng vẫy giữa
trùng khơi.
Đôi mắt sáng bừng khi nói về biển, ông tâm sự đối với mỗi ngư dân
“tàu là nhà, biển là quê hương”. Thế nên, chúng tôi vươn khơi không chỉ
để mưu sinh, mà còn để thể hiện trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng
liêng của Tổ quốc, cũng là giữ ngư trường truyền thống bao đời của cha
ông mình.
|
Ngư dân Lê Văn Chiến được bà con gọi tin yêu, kính trọng. Ảnh: VGP/Lưu Hương
|
Can trường giữ biển
Ngư dân Trần Văn Mười hiện sở hữu 3 tàu công suất lớn trị giá gần 30
tỷ đồng thường xuyên bám biển Hoàng Sa. Tháng 3/2016, ông đã hạ thuỷ con
tàu vỏ thép trị giá 18,5 tỷ đồng đóng bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo
Nghị định 67 của Chính phủ. “Có tàu vỏ thép, tôi cùng bạn thuyền tự tin
đi biển dài ngày hơn, không còn lo sóng to, gió lớn. Con tàu này đã thoả
nguyện tung hoành biển khơi của tôi bấy lâu nay”.
Có tàu công suất lớn, khai thác khơi xa nên mỗi chuyến đi biển, ngoài
việc tham gia phát triển kinh tế biển, ông Mười rất tích cực tham gia
bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong hoạt động khai thác đánh
bắt, khi gặp sóng to gió lớn hay sự cố chìm tàu trên biển, tàu của ông
Mười cùng anh em thuyền viên luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Được ví là “sói biển” giữa Hoàng Sa, câu chuyện dặm dài theo sóng
nước biển khơi của ngư dân Lê Văn Chiến lại trở về với câu chuyện đêm
ngày bám biển.
Để những chuyến biển vươn xa hơn, ông Chiến đã mạnh dạn vay vốn đóng
tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, mua sắm trang thiết
bị, ra khơi bám biển tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng
chục lao động trên địa bàn.
Ông đã từng cứu sống 17 thuyền viên tàu bị nổ bình gas bốc cháy khi
đang câu mực ở Biển Đông. Tàu ông cũng kịp thời lai dắt tàu ĐNa 90385 bị
chết máy ở ngoài khơi.
Đặc biệt, trong năm 2014, khi tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa
bị đâm chìm giữa biển, ông đã nhanh chóng cho tàu mình lao đến cứu giúp
bạn nghề, động viên mọi người kiên cường vượt hiểm nguy, bảo vệ biển,
bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 40 năm trên biển, trải qua những thăng trầm, khó khăn, nhưng ông
vẫn vững tay lái, khao khát được vươn đến tận cùng hải phận Tổ quốc.
Ngư dân Lê Văn Chiến tâm sự: “Có những lúc lòng mình cũng yếu đuối,
sợ thiên tai, sợ những mất mát…nhưng nhờ tình yêu biển quê hương đã giúp
mình vững vàng, vượt qua khó khăn. Mình là thuyền trưởng mình phải là
tấm gương can trường giữ biển, thắp lên tình yêu biển thì các thành viên
trong tàu mới có thể vững tin để vươn khơi”.
|
Ra khơi. Ảnh: VGP/Lưu Hương
|
Những đợt gió lạnh cuối mùa dường như đang tan dần nhường cho ánh
nắng ấp áp của mùa xuân đang tới. Phía cầu cảng hàng trăm ngư dân đang
rộn ràng tất bật để chuẩn bị vươn khơi một chuyến biển dài.
Hành trang của họ là tình yêu biển, là việc phải bám giữ ngư trường truyền thống của cha ông./.
Theo chinhphu.vn