Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 18/1/2023 14:48'(GMT+7)

Giữ vững bản sắc đối ngoại Việt Nam, ứng phó với vạn biến của thế giới

Các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự họp trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự họp trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

- Năm 2022 là một năm đầy biến động khó lường với những yếu tố như suy thoái kinh tế, cạnh tranh nước lớn…, đặt ra nhiều thách thức đến kinh tế, chính trị thế giới. Ngành ngoại giao Việt Nam đã chủ động dự báo, thay đổi và thích ứng như thế nào trước bối cảnh này, thưa Bộ trưởng?

 Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2022, thế giới có những biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Trong nước, đây là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là sau khi chính thức mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, chúng ta tiếp tục tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19, giữ ổn định chính trị - xã hội và phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, việc phát huy năng lực dự báo, tham mưu và khả năng “linh hoạt, chủ động, thích ứng” với tình hình mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với ngành ngoại giao và trên thực tế đã được Bộ Ngoại giao tập trung, nỗ lực thực hiện tốt.

Bộ Ngoại giao xác định rõ trọng tâm nghiên cứu dự báo, nhất là xu thế dịch COVID-19, chính sách mở cửa và phục hồi của các nước, các diễn biến trong quan hệ nước lớn, những xu hướng đa phương, liên kết mới và những vấn đề an ninh phi truyền thống để từ đó có những kiến nghị phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Bộ cũng phát huy tối đa vai trò “ăngten đối ngoại” của toàn bộ 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò phân tích, dự báo từ sớm, từ xa ngay từ các địa bàn ngoài nước, từ tiếp xúc đối ngoại, phân tích động thái sở tại đến tham mưu chính sách, biện pháp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… cũng như tham khảo ý kiến các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm, mô hình xử lý các vấn đề kinh tế, phát triển của các nước phục vụ chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Chúng tôi đã triển khai các công trình nghiên cứu với một đề tài cấp Nhà nước và 28 đề tài cấp Bộ về đối ngoại, trong đó có một đề tài trọng điểm cấp Bộ; chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, nhất là những vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Cùng với đó, toàn bộ các đơn vị trong ngành Ngoại giao đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng bằng việc bắt nhịp kịp thời xu thế mở cửa trở lại của các nước để chủ động nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp cả song phương và đa phương, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất.

Các hoạt động đối ngoại sôi động, nhất là đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới. Ta đã triển khai gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, trong đó có 34 hoạt động trực tiếp gồm 15 đoàn thăm nước ngoài và 19 đoàn nước ngoài thăm Việt Nam; 36 hoạt động trực tuyến gồm các cuộc hội đàm, điện đàm, hội nghị trực tuyến.

Trước diễn biến của tình hình xung đột Nga - Ukraine, Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến với các cơ quan liên quan, không để bị động, bất ngờ, kịp thời bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo hộ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho người dân vùng xung đột; tìm hiểu, tham mưu để khắc phục, ứng phó với hệ lụy do xung đột gây ra.

Bên cạnh đó, kịp thời có bước chuyển linh hoạt nhiệm vụ trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thích ứng với tình hình mới của đất nước.

- Từ trọng tâm là ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine trong hai năm 2020-2021, đến năm 2022, lĩnh vực kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại. Xin Bộ trưởng phân tích rõ hơn sự thay đổi và thích ứng này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngoại giao kinh tế luôn là một trụ cột quan trọng trong công tác của Bộ Ngoại giao. Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã thể hiện sự chủ động, nhạy bén trong việc nhanh chóng chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP 8,02% năm nay, thể hiện ở một số mặt.

Giu vung ban sac doi ngoai Viet Nam, ung pho voi van bien cua the gioi hinh anh 2Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Trước hết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XIII về xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bộ Ngoại giao đã tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về ngoại giao kinh tế. Đây là định hướng quan trọng, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của cả hệ thống chính trị, tạo xung lực mới để triển khai hiệu quả hơn công tác ngoại giao kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Thứ hai, ngành ngoại giao tiếp tục đóng góp làm sâu sắc quan hệ với các nước, đặc biệt về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, đạt kết quả thiết thực, cụ thể. Trong dịp diễn ra các hoạt động đối ngoại cấp cao, đã có khoảng 150 văn kiện, thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Thứ ba, ngành ngoại giao tiếp tục đóng góp đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng và các ngành công nghệ cao. Hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để Việt Nam kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.

Thứ tư, bước đầu triển khai hiệu quả chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế.

Năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 50 đoàn làm việc với hơn 25 địa phương, tổ chức 70 hoạt động kết nối các đối tác cho địa phương, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tiếp tục chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ, bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ.

- Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng và biện pháp triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Để đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước, trong năm 2023, Bộ Ngoại giao đã xác định triển khai 4 trọng tâm ngoại giao kinh tế.

Bộ tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ và phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Giu vung ban sac doi ngoai Viet Nam, ung pho voi van bien cua the gioi hinh anh 3Vải thiều tươi của Việt Nam được bày bán ở một siêu thị của AEON tại Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, đẩy mạnh quán triệt sâu rộng và cụ thể hóa Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị chuẩn bị ban hành.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất.

Bộ thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế của ta với các đối tác chủ chốt. Tận dụng hiệu quả mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do đang thực thi, Bộ cũng tham gia chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.

Ngành ngoại giao chú trọng năng lực phân tích, dự báo chiến lược, cảnh báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; bám sát tình hình, biến động của kinh tế thế giới, các điều chỉnh chiến lược, chính sách và sáng kiến của các quốc gia để kiến nghị các đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức, tăng cường năng lực triển khai và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường phối hợp liên ngành, kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập các tổ công tác về những vấn đề cụ thể, cấp bách khi cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với tinh thần đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm triển khai “quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước,” tôi tin tưởng công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khẩn trương, quyết liệt của công tác ngoại giao vaccine để đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hướng tới các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030.

- Trước những thách thức, chính sách đối ngoại của đất nước càng thể hiện bản sắc rõ ràng của ngoại giao cây tre Việt Nam, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Bộ trưởng có bình luận gì về điều này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều này đặt ra cơ hội, đồng thời cả những thách thức lớn đối với môi trường đối ngoại Việt Nam. Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước.

Bản sắc ngoại giao Việt Nam có cội nguồn là những triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bản sắc đó được nâng lên một tầm cao mới bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam", "Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

“Gốc vững” chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia-dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. “Thân chắc” chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ Đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp hơn 36 năm qua. “Cành uyển chuyển” là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.

Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Để làm được điều đó, ngành ngoại giao sẽ cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết mình, quyết tâm phát triển nền ngoại giao Việt Nam “vừa hồng vừa chuyên,” trong sạch, vững mạnh, tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng - để xứng đáng với sứ mệnh nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất