Thứ Bảy, 21/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 20/4/2017 14:28'(GMT+7)

“Giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế”

 Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học, GS.TS Vũ Hiền nhấn mạnh, độc lập, tự chủ là ý chí sắt đá được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành giá trị cốt lõi thiêng liêng trong truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đảng ta coi độc lập, tự chủ là vấn đề có tính nguyên tắc, nhất quán, có tầm quan trọng sống còn xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngay từ năm 1941, trong Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương gửi đến các cấp bộ đảng ngày 21/12 đã lưu ý:  “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ khác ấy có thể là bạn đồng mình của ta”. 

Việc giữ vững độc lập, tự chủ về kinh tế đã được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960): “Xây dựng nền kinh tế của ta thành một nền kinh tế tự chủ, tương đối hoàn chỉnh, làm cơ sở độc lập của nước nhà”.

Văn kiện Đại hội lần thứ IV (năm 1976) của Đảng đã nhấn mạnh vai trò then chốt của “đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo là nhân tố quan trọng đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và quán triệt yêu cầu chung giữ vững độc lập tự chủ của đất nước trong giai đoạn mới”.

Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) mở rộng một cách toàn diện vấn đề độc lập, tự chủ từ “nâng cao ý thức độc lập, tự chủ” đến yêu cầu “tạo lập được một vị thế độc lập, tự chủ bao gồm “độc lập, tự chủ về kinh tế, quốc phòng, an ninh, “sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có thể tư duy độc lập” và “tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế”.

Chủ trương gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đối với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001). Đại hội Đảng lần thứ X của Đảng đã nhận định, lý luận vẫn chưa giải đáp được mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, trong Văn kiện Đại hội XI và XII của Đảng, vấn đề “giữ vững độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế” đã được nhấn mạnh thành một trong những mối quan hệ trọng yếu nhất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong điều kiện của thế giới hiện nay, khi toàn cầu hóa đạt tới trình độ phát triển chưa từng có, kéo theo tất cả các nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế trở thành một tất yếu khách quan không thể bỏ qua hoặc cưỡng lại, thì vấn đề đảm bảo và giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia cũng được đặt ra với tầm quan trọng đặc biệt. Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ đất nước là một trong những mối quan hệ quan trọng đặc biệt cần giải quyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc chỉ rõ mối quan hệ này để đưa vào Cương lĩnh và Văn kiện Đại hội của Đảng thể hiện sự sáng tạo và bước phát triển mới về tổng kết thực tiễn, nâng tầm lý luận của Đảng.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường hòa bình thuận lợi cho sự phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nhập quốc tế của nước ta vẫn còn những mặt hạn chế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế chưa có mặt chủ động và hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ.  Công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình còn hạn chế.

Xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều thấy rõ, nguyên nhân sâu xa của những thành công cũng như hạn chế vừa qua trong công tác triển khai công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đều có liên quan đến việc thấu hiểu, nắm bắt và xử lý mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là mối quan hệ cơ bản, đa diện, đa chiều trong khi tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, nước ta lại hội nhập ngày càng sâu rộng vàotất cả các lĩnh vực đời sống quốc tế. Việc ký kết và thực hiện hàng loạt những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới càng đòi hỏi việc giải quyết, xử lý mối quan hệ này một cách bài bản hơn, cần có sự đổi mới, linh hoạt hơn, có bản lĩnh hơn. Như vậy, để thực hiện hiệu quả nội dung hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu sâu sắc hơn bản chất, nội hàm của mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; quán triệt một cách thấu đáo phải giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ những nhân tố tác động đến mối quan hệ này; đánh giá xác thực các bài học thực tiễn trong nước và thế giới; dự báo chính xác các xu hướng vận động trong bối cảnh quốc tế và tác động đối với Việt Nam; từ đó, đưa ra được những định hướng chính sách và giải pháp để tranh thủ, tận dụng được những tác động thuận lợi và hạn chế được những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế và xử lý mối quan hệ đó.

 
 

Gần 40 chuyên đề khoa học, tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, làm rõ những luận cứ khoa học về bản chất mối quan hệ, nội hàm và biện chứng của mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời nêu bật những nhân tố tác động tới mối quan hệ đó. Trên cơ sở các nội dung đó, các nhà khoa học đã đưa ra những hướng xử lý mối quan hệ đó một cách hiệu quả.

Thứ hai, nêu bật tình hình mới và những vấn đề đặt ra. Tình hình mới là tình hình thế giới, tình hình trong nước có liên quan và tác động trực tiếp đến việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và bảo đảm giữ vững độc lập,tự chủ của đất nước. Trên cơ sở dự báo, phân tích đúng tình hình mới, làm rõ những tác động thuận và không thuận đối với việc đảm bảo độc lập tự chủ trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để nhận dạng đúng những vấn đề nổi cộm đang đặt ra cần giải quyết.

Thứ ba, đề xuất định hướng chính sách để xử lý mối quan hệ này một cách thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, nhận rõ những vấn đề đang đặt ra, bước đầu đề xuất những định hướng chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô mang tính khả thi để xử lý tốt và hiệu quả mối quan hệ này hiện tại và sắp tới.

TH


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất