Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 22/2/2013 22:17'(GMT+7)

Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Hội thảo.

GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội, đã làm rõ và sâu sắc thêm nhiều vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện thể chế chính trị, chế định quyền con người, quyền tư pháp và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Quy định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội

Đánh giá tổng quan Dự thảo Hiến pháp và việc hoàn thiện thể chế chính trị, các nhà khoa học nhận định rằng Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra một bản Dự thảo Hiến pháp có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, thể chế Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các Nghị quyết của Đảng từ sau Đại hội XI.

Đáng chú ý, Dự thảo Hiến pháp đã tiếp cận nhiều giá trị của Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, phản ánh sự phát triển của tư duy Hiến pháp ở Việt Nam về chủ quyền lập hiến, phân công quyền lực, kiểm soát quyền lực, chế độ bảo hiến, quyền con người, quyền công dân...

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhân dân và xu thế mang tính thời đại. Chẳng hạn, hoàn thiện các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính cam kết pháp lý rõ ràng hơn để Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự xứng đáng với vai trò mang tính hiến định về sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội.

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay: Quyền và nghĩa vụ của nhân dân, của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước lại được quy định một cách khá sơ sài.

Những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà và những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy Nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật,” “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần kiên quyết hơn nữa trong phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác để Quốc hội làm đúng và đủ quyền lập pháp của mình, không lấn sang các quyền khác hoặc không làm đủ quyền lập pháp của mình.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung cho rằng, Dự thảo chưa có sự phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp. Về nguyên tắc, quyền lập hiến là quyền lập quyền, khác với quyền đã được lập ra, tức là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này phải phụ thuộc vào quyền lập hiến. Quyền lập hiến là quyền của nhân dân, thể hiện đúng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội nhấn mạnh rằng để đảm bảo cho Hiến pháp thực sự là một bản văn thiết lập nên quyền lực Nhà nước, quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp và nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lập hiến, cần tổ chức để nhân dân phê chuẩn Hiến pháp sửa đổi sau khi Quốc hội đã thông qua.

Còn theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hồi (Đại học Luật Hà Nội), thủ tục thông qua Hiến pháp mới phải bằng trưng cầu ý dân mới phù hợp với xu thế phát triển của nền dân chủ và bảo đảm được chủ quyền nhân dân.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thoa và thạc sỹ Nguyễn Thị Hạnh (Bộ Tư pháp) đề nghị cần hoàn thiện các quy định về chính quyền địa phương theo hướng thể hiện rõ hơn nguyên tắc phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, về địa vị pháp lý của các cấp chính quyền địa phương.

Hoàn thiện chế định quyền con người

Góp ý vào việc hoàn thiện chế định quyền con người, quyền công dân, các nhà khoa học cho rằng Dự thảo có 38 điều quy định liên quan, chiếm trên 30% tổng số điều là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần hoàn thiện quy định về tên chương này theo hướng khái quát hơn; quy định rõ hơn nội hàm mỗi quyền, trường hợp được giới hạn của quyền, trường hợp có những quyền là bất khả xâm phạm; bổ sung một số quyền mới như quyền giám sát và phản biện xã hội, quyền tư pháp người chưa thành niên...

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Dự thảo còn thiếu những quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền, việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn quyền và thiếu việc xác định rõ những quyền không thể bị giới hạn; thiếu quy định bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền.

Các nhà khoa học cũng còn băn khoăn bởi nhiều quyền hiến định vẫn phải “theo quy định của pháp luật.” Có ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng quyền hiến định không được thực thi vì phải chờ luật cụ thể hóa, Hiến pháp cần quy định nguyên tắc quyền hiến định phải được áp dụng trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục khi các quyền cơ bản của công dân bị vi phạm.

Liên quan đến việc hoàn thiện chế định hành chính, tư pháp, các nhà khoa học kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, quy định rõ hơn nguyên tắc tranh tụng cần phải được đảm bảo trong mọi hoạt động tố tụng.

Giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và thạc sỹ Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5-Quốc gia) đề nghị giữ Điều 12 Hiến pháp năm 1992 về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nhưng cần bổ sung, phát triển, thể hiện được khái quát bản chất dân chủ cũng như bổ sung nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân về bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Về vấn đề hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, các nhà khoa học nhận định rằng: Hội đồng Hiến pháp là một chế định kiểm hiến thích hợp nhất trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, giáo sư-tiến sỹ Ngô Huy Cương, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để bảo đảm cho tính độc lập của hoạt động kiểm hiến và bảo đảm cho hoạt động kiểm hiến có hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền, Dự thảo cần tạo lập một chương riêng về Hội đồng Hiến pháp...

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần cải cách theo hướng nâng cao hơn tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này bởi nếu theo quy định trong Dự thảo, Hội đồng Hiến pháp không phải là một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập mà hoàn toàn là một cơ quan chính trị, được Quốc hội thành lập, giúp Quốc hội thực hiện chức năng bảo hiến, chỉ có quyền kiến nghị Quốc hội và các cơ quan Nhà nước xem xét khi phát hiện các vi phạm Hiến pháp.

Theo giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nếu Hội đồng Hiến pháp được thiết kế là một thiết chế thực quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn thì nhân dân mới thực sự là chủ thể của quyền lập hiến theo đúng nghĩa.

Trên 30 bản tham luận gửi đến Hội thảo thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học dự Hội thảo trước sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ được đăng tải trên hai Tạp chí và chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm góp phần hoàn thiện một bản Hiến pháp làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, hạnh phúc của nhân dân./.

(Thanh Hòa/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất