Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 12/2/2015 9:29'(GMT+7)

Góp ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi): Nhiều quy định về thừa kế được sửa đổi phù hợp với thực tế

Nhiều sửa đổi phù hợp với thực tế

Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi trong phần thừa kế, luật sư Hoa Hoàng Nhật nêu, tại Điều 647 về “Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng”, dự thảo bổ sung quy định tạo điều kiện cho một bên lập di chúc trong di chúc chung có thể thay đổi phần di chúc của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của người còn lại: “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.

Theo luật sư, quy định này không những bảo đảm hơn quyền tự chủ của người lập di chúc mà còn giúp họ hiểu rõ hơn rằng di chúc chung không phải là bất biến mà có thể bị sửa đổi bất cứ lúc nào theo ý chí của một hoặc cả hai bên. Tại Điều 651 của dự thảo cũng đã thể hiện rõ hơn sự phù hợp với thực tế và thống nhất giữa các quy định có liên quan trong Bộ luật. Về nguyên tắc, tại Điều 650 dự thảo (Điều 667 Bộ luật dân sự hiện hành) đã quy định “Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”, tức là từ thời điểm người để lại di chúc qua đời. Nếu theo quy định hiện nay, di chúc chung của vợ chồng lại không tuân theo nguyên tắc đó mà chỉ “có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết” (Điều 668 Bộ luật dân sự).

Luật sư Hoa Hoàng Nhật phân tích: điều đó có nghĩa là khi một trong hai người để lại di chúc qua đời, di chúc vẫn chưa có hiệu lực pháp luật, nó kéo theo những phức tạp không đáng có, chẳng hạn như người còn sống lại kết hôn với người khác hay khi người thừa kế cần phân chia di sản thì lại không thể phân chia được. Hay quy định về thời hạn thực hiện quyền từ chối nhận di sản cũng phù hợp hơn. Hiện nay, rất nhiều trường hợp về bản chất là từ chối nhận di sản, nhưng do quá sáu tháng, sau khi người để lại di sản qua đời, mới phân chia di sản nên họ lại không thể từ chối nhận di sản và lại phải “lách luật” bằng cách tiếp nhận rồi tặng cho hoặc bán lại cho người nhận di sản khác trong cùng một văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế.

Con dâu, con rể có được hưởng thừa kế?

Dẫn chứng về những nội dung còn chưa hợp lý trong dự thảo Bộ luật, luật sư Hoa Hoàng Nhật nêu tại Khoản 2 Điều 627 dự thảo quy định tất cả “ những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc quy định tại Điều 652 của Bộ luật này ” đều vẫn được hưởng di sản dù có vi phạm quy định được nêu tại Khoản 1 Điều này (vi phạm với mục đích chiếm đoạt tài sản thừa kế trái pháp luật). Theo luật sư trong số các đối tượng được “hưởng lợi” từ quy định mở này (gồm c on chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di sản ), chỉ nên áp dụng đối với người vi phạm là người có nhược điểm về tâm thần, trẻ vị thành niên chưa đủ tuổi lao động. Việc mở rộng đối tượng như quy định này của dự thảo dường như chưa chú ý tới sự chọn lọc sẽ làm hạn chế quyền của người để lại di sản đối với người không xứng đáng được hưởng di sản và đặc biệt là có thể tạo tâm lý không tốt khi người ta có thể dựa vào đó để “vô tư” tìm cách gây hại cho người để lại di sản thừa kế hoặc người thừa kế khác nhằm mục đích vụ lợi mà không sợ bị mất quyền thừa kế - Luật sư phân tích.

Một vấn đề cũng đã từng có nhiều ý kiến đề xuất đưa vào Bộ luật dân sự liên quan tới lĩnh vực thừa kế, đó là quyền thừa kế (để lại và hưởng thừa kế) giữa cha, mẹ vợ hoặc chồng với con rể hoặc con dâu - quan hệ thừa kế mang tính đương nhiên, không trên cơ sở di chúc, tức là thừa kế theo pháp luật. Đánh giá quan hệ thừa kế theo pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng chủ yếu dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống, tuy nhiên, luật sư Hoa Hoàng Nhật cho rằng đó không phải là cơ sở duy nhất, quan hệ nuôi dưỡng (giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế) hay quan hệ hôn nhân (giữa vợ và chồng) cũng là những căn cứ được sử dụng để xác lập quan hệ thừa kế. Với đặc thù truyền thống của dân tộc Việt Nam, gia đình thường gồm nhiều thế hệ chung sống. Những người cùng sinh sống trong môi trường gia đình nhiều thế hệ thường tự nguyện cùng nhau đóng góp, xây dựng tài sản, cuộc sống chung mà ít khi có sự phân định rõ ràng. Như vậy, trong khối tài sản đứng tên của một người hoặc một cặp vợ chồng trong gia đình đó thường là sự kết tinh, đầu tư và công sức của cả gia đình. Vì lý do nào đó, người đứng tên chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản qua đời mà không để lại di chúc, với quy định pháp luật hiện nay, người con dâu, con rể hoặc cha, mẹ vợ hoặc chồng “bỗng nhiên” trở thành “vô sản” dù đã đầu tư phần lớn cuộc đời cho việc chăm sóc, thương yêu, gắn bó với người qua đời hơn chính người thân, ruột thịt của mình và gây dựng, phát triển khối tài sản mà họ vẫn tự nguyện coi là tài sản chung đó.

Luật sư Hoa Hoàng Nhật nêu một thực tế mà chúng ta rất dễ nhận ra đó là việc người con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ dù không được hưởng thừa kế theo pháp luật nhưng thường vẫn được đứng tên cùng với người chồng, người vợ của mình để trở thành chủ sở hữu, chủ sử dụng khối tài sản mà chồng hoặc vợ của mình được thừa kế từ cha, mẹ đẻ. Và người con dâu, con rể đó, nếu được hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ chồng, hoặc cha, mẹ vợ thì vẫn dễ dàng được mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, khi người con dâu, con rể đó, đặc biệt là đối với người phụ nữ, quay lại để đòi quyền hưởng thừa kế của cha, mẹ đẻ mình thì lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không được hưởng một chút di sản nào (nếu cha, mẹ đẻ để lại di chúc mà không cho người đó hưởng gì). Với người Việt Nam, khó khăn này có thể bắt nguồn từ chính cha, mẹ đẻ, bởi đó là tâm lý, là thực tế từ hàng nghìn năm nay và chắc chắn là còn rất lâu mới có thể thay đổi.

Luật sư Hoa Hoàng Nhật cho rằng việc quy định quan hệ thừa kế theo pháp luật giữa cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng với con rể hoặc con dâu là rất cần thiết, dĩ nhiên quan hệ pháp luật này nên có điều kiện kèm theo - Luật sư đề nghị. Quy định này không chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp người chết không để lại di chúc mà còn có tác dụng tích cực tới tâm lý người lập di chúc, sẽ khiến người đó phải cân nhắc về quyền lợi của một người dù không phải là máu mủ, ruột thịt nhưng lại thực sự gắn bó với họ rất nhiều.

Trưởng ban chính sách - luật pháp (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thanh Cầm nhận xét, Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định rất rõ về trách nhiệm của con dâu, con rể cũng như các con đều bình đẳng trong nghĩa vụ đối với bố, mẹ chồng, bố, mẹ vợ. Tuy nhiên về di chúc, bà Cầm đánh giá còn thiếu phần quy định đối với con dâu, con rể. Bà cho biết Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn, lấy ý kiến các ngành chức năng cũng như ý kiến của phụ nữ các cấp, nội dung đưa quy định con dâu, con rể được thừa hưởng di chúc (thừa kế của bố, mẹ vợ, bố, mẹ chồng) luôn rất sôi nổi. Rất nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ thực tế của Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đa phần chị em phải sống cùng và phụng dưỡng với bố mẹ chồng. Có nhiều trường hợp cả cuộc đời chăm sóc bố, mẹ chồng ốm đau, bệnh tật, nếu không bổ sung quy định này vào dự thảo luật thì sẽ thiệt thòi cho người phụ nữ. Bà Cầm cũng nêu lên một thực tế khác, đó là cũng có những trường hợp con dâu không hiếu thuận, không phụng dưỡng bố, mẹ chồng. Theo bà Cầm, đối với những trường hợp này thì sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại cơ sở như tổ dân phố, chi hội phụ nữ…. việc xác nhận xem người con dâu ấy có hiếu thuận hay không, không phải là vấn đề bất khả thi.

Trái với quan điểm này, PGS.TS Phùng Trung Tập đến từ trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị vẫn giữ nguyên như luật hiện hành, chỉ thừa kế trên quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và hôn nhân. Con dâu hoặc con rể sẽ thực hiện trên cơ sở di chúc của bố mẹ vợ, chồng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất