Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 16/5/2013 8:21'(GMT+7)

Góp ý sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp

Chiều 15/5, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) đã cho ý kiến về hai dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Đấu thầu năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009, cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này đã góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn có hạn của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn Nhà nước cũng bộc lộ một số bất cập, thể hiện nổi bật trên các mặt như: Tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức.

Với những phân tích nêu trên, các đại biểu cho rằng: Ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) là cần thiết để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, góp phần xử lý được mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý công tác đấu thầu.

Đối với các hoạt động đấu thầu quy định tại khoản 1, một số ý kiến tán thành với tiêu chí xác định các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước như quy định tại điểm a, nhưng đề nghị có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu trong trường hợp các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên và chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không quy định tiêu chí xác định quy mô vốn Nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền vì không bảo đảm được tính ổn định của Luật, quy định này sẽ lạc hậu sau một thời gian ngắn. Hơn nữa, việc quy định mức giá trị tuyệt đối là 500 tỷ đồng như trong dự án Luật chưa có căn cứ thuyết phục.

Về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại điều 5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định nhà thầu nước ngoài tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, phải sử dụng lao động trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đề nghị Dự án Luật cần cụ thể hóa nội dung “không đủ khả năng thực hiện” của nhà thầu hoặc của lao động Việt Nam gồm những tiêu chí gì, đồng thời bổ sung quy định chế tài xử lý đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài không tuân thủ quy định này.

Đối với vấn đề chỉ định thầu được quy định tại điều 17, có ý kiến đề nghị không nên quy định theo hướng mở rộng như dự án Luật, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay; trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác như quy định của Luật đấu thầu năm 2005.

Tuy nhiên, qua thảo luận, đa phần các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu, trong đó có trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản tán thành với những nội dung tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội, phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, sớm hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 luật Doanh nghiệp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn và đề nghị Chính phủ làm rõ trong số 3.000 doanh nghiệp không thực hiện đăng ký lại thì có bao nhiêu doanh nghiệp hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu doanh nghiệp chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được mở rộng ngành nghề, với số vốn, số lao động là bao nhiêu, đang hoạt động trong lĩnh vực nào?

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với nội dung sửa đổi tại điểm a, b khoản 2, điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật, phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đến tổ chức thực hiện Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, rút kinh nghiệm trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật đã có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật./.

Khiếu Tư (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất