Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 3/5/2009 22:10'(GMT+7)

H1N1 lan rộng, nguy hiểm nếu gặp virus HIV

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch cúm A tại ga tàu điện ngầm ở Hongkong ngày 2/5.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch cúm A tại ga tàu điện ngầm ở Hongkong ngày 2/5.


Ngày 2/5, Italy đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên ở nước này. Nạn nhân là nam giới khoảng 50 tuổi, trở về từ Mexico ngày 23/4 và một tuần sau đó phải nhập viện điều trị ở Massa, gần thành phố Florence.

Tuy nhiên, một quan chức y tế Italy cho biết bệnh nhân đang trong quá trình phục hồi. Các thành viên trong gia đình và những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này đang được điều trị bằng thuốc chống virus. Hãng tin ANSA của Italy cho biết 7 người khác bị nghi nhiễm cúm A (H1N1) ở Tuscany đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Cùng ngày, Viện Robert Koch (RKI) - Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Đức cho biết một người đàn ông 38 tuổi bị nhiễm virus cúm A (H1N1) (từ Mexico trở về) đã truyền loại virus này sang một bệnh nhân đang điều trị tại cùng bệnh viện ở bang Bavaria và một trong số y tá chăm sóc anh ta. Như vậy, tại Đức đã có 6 trường hợp mắc cúm A (H1N1).

Tại Israel, giới chức y tế nước này đã xác nhận trường hợp nhiễm virus cúm A (H1N1) thứ ba ở nước này. Đó là một bệnh nhân nam 33 tuổi, trở về từ Mexico tuần trước. Người vợ cũng có triệu chứng của bệnh cúm, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay, cả ba trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) ở Israel đều trong tình trạng sức khoẻ tốt.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản cho biết kết quả xét nghiệm ban đầu đối với các mẫu bệnh phẩm của một em bé bốn tháng tuổi người Mỹ đã cho kết quả dương tính với cúm A (H1N1). Em bé này là con của một quân nhân Mỹ. Gia đình em vừa mới tới căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở thủ đô Tokyo sáng 1/5. Hiện nay, em bé cùng người mẹ đang được điều trị cách ly tại một cơ sở y tế nằm trong căn cứ không quân này.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, 13 hành khách khác ngồi gần gia đình em bé trên chuyến bay từ Seattle, Mỹ tới Tokyo cũng được cách ly. Các bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành thêm các xét nghiệm để khẳng định chính xác em bé này có bị nhiễm cúm A (H1N1) hay không.

Ngày 2/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh bảo rằng bệnh nhân HIV dễ lây nhiễm cúm A (H1N1) hơn người bình thường và các chuyên gia của tổ chức này đang lo ngại về nguy cơ hình thành biến thể mới nếu virus HIV "gặp" virus H1N1.

Theo nhận định của WHO, HIV và H1N1 có thể kết hợp với nhau theo một cách thức nguy hiểm. WHO kêu gọi ngành y tế các nước coi bệnh nhân HIV là đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm A (H1N1), và là nhóm cần được ưu tiên cả trong phòng ngừa cũng như điều trị bệnh cúm A (H1N1).

Trên trang web của mình, WHO đặc biệt lưu ý đến những nước có tỷ lệ người nhiễm HIV cao (phần lớn ở châu Phi, nhấn mạnh rằng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này cần được đảm bảo có đủ thuốc chữa trị khi cần.

Theo hướng dẫn của WHO, để điều trị có hiệu quả, người bệnh cần được dùng thuốc chống virus trong vòng 48 giờ sau khi có những triệu chứng đầu tiên nhiễm cúm A (H1N1)./.

(Theo TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất