Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 28/11/2016 10:48'(GMT+7)

Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp

Dự và chủ trì có các đồng chí: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng các thành viên UBND Thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết đây là hoạt động thường niên thực hiện theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khoá XI. Mục đích của Hội nghị nhằm cùng nhau chia sẻ, đánh giá về hoạt động của DN trên địa bàn TP Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước; chia sẻ đánh giá về xu thế phát triển kinh tế, hội nhập phát triển kinh tế khu vực, tác động tới Hà Nội; chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với phát triển DN và việc hội nhập. Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp kiến nghị, giải quyết, tạo điều kiện cho DN , doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào quá trình chuyển dịch nền kinh tế Thủ đô cũng như cả nước.​ 

Báo cáo về kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định, năm 2016 là năm rất đặc biệt đối với cộng đồng DN khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi liên quan trực tiếp đến DN chính thức có hiệu lực với tinh thần cải cách mạnh mẽ, thông thoáng và minh bạch.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, thống nhất trong chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực của DN, kinh tế xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Kinh tế ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 173,84 nghìn tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trung bình cả năm 2016 ước tăng 3,01 - 3,07%.

"Đạt được kết quả trên, các DN đóng vai trò quyết định. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 424 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư nước ngoài 2,8 tỷ USD; vốn đăng ký của DN trong nước 204 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015" - ông Nguyễn Doãn Toản cho biết.

Năm 2016 là năm có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay với 22,9 nghìn (tăng 19%), là lần đầu tiên số DN trên địa bàn cán đích và vượt con số 200.000.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn. Số DN phải tạm ngừng, nghỉ hoạt động chưa giảm so với năm trước. Đến ngày 9/11 có 13.165 DN, tổ chức kinh tế ngừng, nghỉ hoạt động. Xuất khẩu tăng trưởng thấp. Việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản có chất lượng cao bảo đảm an toàn VSTP chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân....

Với tinh thần đồng hành cùng DN, TP đã chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
 

Báo cáo đã nêu 8 nhóm giải pháp chính như TP ban hành Kế hoạch số 147 về nâng cao chỉ số PCI với tinh thần Hà Nội sẽ tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong suốt quá trình từ khởi nghiệp đến các hoạt động sau khởi sự kinh doanh. TP thành lập Ban chỉ đạo gỡ khó khăn cho DN và hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Việc ứng dụng CNTT, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử được TP lựa chọn là một trong những khâu đột phá. Các DN được hỗ trợ một cách tối đa để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Đến nay, Hà Nội đạt kết quả tích cực với 54% tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, vượt xa chỉ tiêu của Chính phủ đã quy định tại Nghị quyết 36a/NQ-CP.

Năm 2016, TP đã tổ chức các hội nghị lớn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư và tôn vinh DN; triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Ngoài ra, các giải pháp về tính dụng giúp DN giải quyết vấn đề thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn được đẩy mạnh.

TP cũng chú trọng công tác hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội - những lĩnh vực liên quan mật thiết đến hoạt động của DN; tập trung chỉ đạo các đơn vị quan tâm tư vấn pháp lý, hỗ trợ cung cấp thông tin cho DN, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với những vấn đề khó khăn có tính đặc thù của TP Hà Nội như đất đai, quy hoạch đã được chỉ đạo quyết liệt để giải quyết cho DN.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2017, TP tập trung, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Đến nay, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các kế hoạch sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành là những thuận lợi cơ bản. TP sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB và tái định cư theo cơ chế mới. Tiếp tục quyết liệt cải cách để nâng cao các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PCI mà từ lâu nay Hà Nội vẫn bị xếp hạng thấp như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý... Đồng thời phát huy các chỉ số đã được xếp hạng tốt như đào tạo lao động, dịch vụ doanh nghiệp...

Hai là, đồng hành cùng DN, hành động vì DN. TP sẽ chủ động nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản bằng nhiều hình thức. Định kỳ phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị đối thoại DN. Giải quyết triệt để các kiến nghị của DN. Phát huy tốt vai trò của các Hiệp hội Doanh nghiệp, để chính sách hỗ trợ của Thành phố đến được với nhiều DN nhất.

Ba là, thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tiếp cận đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại... Đồng thời, TP nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó chủ động hỗ trợ DN tiếp cận các cơ hội và vượt qua các thách thức.

Bốn là, tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để thực hiện các chương trình hỗ trợ DN như: Triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế, tập trung vào thị trường tiềm năng, hỗ trợ đào tạo CEO...

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian cho DN trong quá trình hoạt động. Xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền theo hướng “thân thiện – kỷ cương – trách nhiệm – hiệu quả”.

Sáu là, cộng đồng DN, doanh nhân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, tinh thần hợp tác, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu để hoàn thành sứ mệnh là động lực phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội đã và đang là nơi kinh doanh thành công của các DN trong nước và ngoài nước. Nhưng TP cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển của một đô thị lớn do phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ đô thị hóa và tăng dân số. Gìn giữ môi trường là một trong những thách thức to lớn.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2016, TP đã triển khai nhiều giải pháp với cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả như: Phát động Chương trình 1 triệu cây xanh; chỉnh trang hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng theo yêu cầu kỹ - mỹ thuật tiên tiến. Thu gom rác thải và cắt tỉa cây xanh theo hướng cơ giới hóa. Thí điểm xử lý ô nhiễm nước tại 3 hồ ở trung tâm. Triển khai công tác quan trắc và quản lý vấn đề ô nhiễm không khí. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Để cho nhân dân Thủ đô được sống trong môi trường không chỉ bình yên mà còn xanh – sạch – đẹp, thời gian tới TP sẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái. Để công cuộc quan trọng này thành công, TP kêu gọi nhân dân Thủ đô, các DN, hiệp hội DN tích cực hưởng ứng và tham gia cùng Thành phố thực hiện Chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”. Mỗi DN mỗi cá nhân cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, thiết thực xây dựng Thủ đô “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”.

​​Tại phiên đối thoại, các doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước, của Thành phố. Lãnh đạo UBND Thành phố, VCCI tiếp thu và trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp đối với những vấn đế thuộc thẩm quyền. Đối với các kiến nghị với Trung ương, bộ, ngành sẽ được Thành phố Hà Nội và VCCI tổng hợp gửi các cơ quan kể trên đề nghị trả lời, giải quyết.

Sự tham gia của các cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố và VCCI tại Hội nghị đối thoại này đã khẳng định quyết tâm của Thành phố Hà Nội về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; khẳng định sự đồng hành của VCCI đối với Thành phố Hà Nội trong công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tại phiên đối thoại, các doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước, của Thành phố.


PV

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất