Thứ Bảy, 23/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Tư, 11/9/2019 9:53'(GMT+7)

Hà Nội phát triển giao thông công cộng bài toán giảm ùn tắc giao thông

Hệ thống đường sắt đô thị đang định hình lại giao thông Hà Nội (ảnh minh họa)

Hệ thống đường sắt đô thị đang định hình lại giao thông Hà Nội (ảnh minh họa)

Hướng tới mục tiêu giảm áp lực giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn, tăng cường kết nối, Thủ đô Hà Nội đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Trước khi mở rộng địa giới hành chính, cả Hà Nội và Hà Tây chỉ có 68 tuyến buýt với trên 1.000 xe vận hành. Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Hà Nội đã có 112 tuyến, với trên 430 triệu lượt hành khách/năm. So với 10 năm trước, số lượng tuyến đã tăng 64% . Mạng lưới đã bao phủ khắp 30 quận huyện, đạt 100%, tăng 37%, tương ứng với 406/584 xã phường, mức độ bao phủ đạt 69,5%, tăng 28%. Đặc biệt, tuyến buýt BRT01 lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã ra đời năm 2017 thu hút gần 5 triệu lượt khách, doanh thu thứ 3 toàn mạng lưới.

Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 3.026 điểm dừng, 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 96 điểm đầu cuối. Đến nay, tổng số phương tiện toàn mạng là 1.820 xe, các xe đều trang bị thiết bị giám sát hành trình GPS, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED. Số chuyến lượt vận hành đạt 99,95% - 100%.

Dự án Metro Hà Nội, gồm 8 đường tàu điện ngầm và đường sắt trên cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tầm nhìn của một đô thị tương lai hiện đại. Hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đưa vào sử dụng năm 2019 và Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao năm 2020, đoạn ngầm năm 2022. Các tuyến đường sắt đô thị khác đang được khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện đầu tư trong thời gian tới.

Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25%, trong đó đường sắt đô thị đạt từ 1-3% vào năm 2020, thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như: Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT tại điểm đầu, cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng; nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố nhỏ hẹp; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng…

Với đường sắt đô thị, ngoài tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2019, tuyến Nhổn – ga Hà Nội sẽ vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Về xe buýt, sẽ tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu. Dự kiến số lượng tuyến buýt mở mới đến năm 2020 từ 46-51 tuyến, trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở từ 25-30 tuyến.

Cùng đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn./.

Duy Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất