Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 1/9/2014 10:1'(GMT+7)

Hà Nội - thiêng liêng, tự hào đón Tết Độc lập

Tinh thần hào khí ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Quảng trường Ba Đình lịch sử vào mùng 2/9/1945 đang về...

Chưa đến 6 giờ sáng ngày đầu tháng 9, vợ chồng anh Nguyễn Đỗ Hải Long, đã dong chiếc xe máy, rời khỏi tổ ấm trong con ngõ nhỏ ở phố Hàng Khay. Họ chạy xe ra phố Tràng Thi, Điện Biên Phủ rồi hướng về Ba Đình.

Điểm đến của gia đình anh Hải Long là Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi đây đang diễn ra lễ thượng cờ. Họ đến đúng thời điểm đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, từ phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi vòng ra phía trước hướng về chân cột cờ theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”. 3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ, cũng là lúc cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu mở. Sau hiệu lệnh, Quốc ca vang lên hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng cũng từ từ được kéo lên. Quốc ca kết thúc cũng là lúc Quốc kỳ bay phấp phới trên đỉnh cột cờ trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng trăm người dân Thủ đô có mặt tại lễ thượng cờ. “Khi thấy lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên chính đỉnh cột cờ, tung bay trong gió, nước mắt tôi cứ chực trào ra vì xúc động, tự hào” - Anh Long tâm sự.

Anh Nguyễn Đỗ Hải Long hiện làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở đặt tại Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Lý do mà anh đưa vợ và cậu con trai 5 tuổi đến xem lễ thượng cờ vào sáng sớm ngày đầu tháng 9 này là: Ngày Quốc Khánh còn gì ý nghĩa hơn là cùng gia đình đến nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, cho dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc. “Ngày này làm cho ta nhớ về những chiến công của các thế hệ đi trước, nhớ về đất nước của những anh hùng, đất nước đã thấm rất nhiều máu và nước mắt, nhưng cũng là niềm tự hào của các thế hệ tiếp nối chúng ta. Tôi muốn đưa con trai mình đến đây để giúp cháu cảm nhận được niềm tự hào là người dân Việt Nam, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này”- Anh Long bày tỏ.

Cùng hòa trong không khí thiêng liêng tại lễ thượng cờ, Phan Hải Yến, sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng, nhà ở Hoàng Hoa Thám, tâm sự: Hôm nay, có mặt tại Ba Đình lịch sử, thấy lòng tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc dâng trào. Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm, nhìn dòng người đồng thanh hát Quốc ca ở quảng trường, càng thấy rạo rực tình yêu quê hương, đất nước. "Đã mấy năm nay, cứ dịp Quốc khánh, thay vì những chuyến phượt cùng bạn bè thì tôi cùng vài người bạn thân đến quảng trường Ba Đình xem lễ thượng cờ, để được về nguồn” - Yến tự hào nói.

Cùng chung suy nghĩ ấy, Chu Vương Diệp, 21 tuổi, bạn của Yến, tâm sự: Dù mỗi giới, mỗi độ tuổi có thể có những suy nghĩ, nhận thức, cảm giác khác nhau về ngày Quốc khánh nhưng điều mà ít ai phủ nhận được, đó là trong bối cảnh hiện nay, trong sự đan xen giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại, ý niệm về ngày Quốc khánh dường như sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn trong tâm khảm của mỗi người Việt.

Không chỉ anh gia đình Long hay đôi bạn trẻ Yến, Diệp phấn khởi, tự hào đón Tết Độc lập, mà hàng triệu người dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước đang hòa chung trong không khí thiêng liêng, đón chào ngày lễ trọng đại của dân tộc. Trong dòng chảy phấn khởi, tự hào ấy, rất nhiều bạn trẻ và cộng đồng “mạng” đã gửi gắm, chia sẻ những suy nghĩ, lòng biết ơn cũng như những dòng tâm sự của mình trên các trang mạng xã hội.

Có người thay đổi ảnh đại diện thành hình quốc kì, thay avatar bằng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình năm 1945 với một câu trích trong tuyên ngôn Độc lập “Non song Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, hoặc dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”, “Tự hào hai tiếng Việt Nam”... Nhiều bạn trẻ còn đăng tải trên facebook cá nhân: “Chúc mừng Tết Độc lập, Tết của tự do, nhân ái và hòa bình! Nơi chúng ta đang sống vẫn đổi thay hàng ngày! Quyết tâm dâng hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho Đảng, cho đất nước Việt Nam. Chúc non sông mãi trường tồn, chúc Việt Nam phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu”. Thẳm sâu trong suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ là điều tâm nguyện hãy nhân lên lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.

Dạo bước qua các trục phố chính ở Thủ đô như Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài, Hàng Khay, Hàng Ngang, Hàng Đào… trong không khí từng bừng, phấn khởi, rực rỡ cờ hoa, cảm nhận hai chữ Tổ quốc thật thiêng liêng, non sông gấm vóc thật hùng vĩ. Lại nhớ câu nói của ông Lê Bằng, 76 tuổi, một người dự lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình lịch sử sáng sớm nay: Chúng ta tự hào vì có vị lãnh tụ sáng suốt, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc để có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Dịp Quốc khánh này là dịp đoàn tụ gia đình con cháu để kể cho nhau nghe về những ngày Cách mạng Tháng Tám hào hùng, nhớ lại không khí thiêng liêng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, để thế hệ mai sau khắc ghi những hy sinh, gian khó trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và thật tự hào khi chúng ta đã sống tốt và ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất