Thứ Sáu, 25/5/2018 12:25'(GMT+7)
Hà Nội: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chỉ thị 24-CT/TW
(TG)- Ngày 25/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND Thành phố, lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã.
Hoạt động văn học nghệ thuật của Hà Nội chuyển biến tích cực về nội dung và hình thức
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Thành ủy đều ban hành Chương trình về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số công trình văn hóa quy mô lớn, như Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công nhân, Rạp Kim Đồng, Rạp Đại Nam, Thư viện Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng...
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phát triển. Hà Nội là địa phương tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Thành phố hiện có 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có một số đơn vị tiêu biểu như Nhà hát múa rối Thăng Long đạt kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày/năm.
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn Thủ đô được quan tâm, diễn ra sôi nổi, thiết thực. Trong 10 năm qua, các đơn vị của Hà Nội đã tham gia 20 cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, đã đạt 20 huy chương Vàng toàn đoàn; 70 Huy chương Vàng, 80 Huy chương Bạc cho các tiết mục tập thể và cá nhân... Đồng thời, việc xây dựng và phát triển các hội, các câu lạc bộ văn học nghệ thuật tại các địa phương ngày càng lớn mạnh, tiêu biểu như huyện Gia Lâm hiện có 139 CLB văn nghệ các cấp, quận hai Bà Trưng có 125 CLB văn nghệ... Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, Hà Nội là nơi thu hút, tập trung nhiều tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sỹ trên khắp cả nước; trung bình hàng năm, đội ngũ văn nghệ sỹ Thủ đô đã sáng tạo gần 3.000 tác phẩm có chất lượng, cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô và cả nước. Từ những đóng góp quan trọng đó, đến nay, Hà Nội có 17 Nghệ sỹ Nhân dân và 127 Nghệ sỹ Ưu tú được vinh danh, đây là số lượng cao so với các địa phương trong cả nước.
Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương với các cơ quan của Thành phố trong công tác phát triển văn học, nghệ thuật, công tác lý luận, phê bình về văn họa nghệ thuật, cung cấp thông tin trong tình hình mới.
Định kỳ tổ chức, nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ, phóng viên, các chuyên gia viết bài tuyên truyền, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật. Tăng cường các hoạt động liên kết, phối hợp; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành của cả nước trong việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật.
Phát huy vai trò của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh
Về kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động khám chữa bệnh bằng Đông y trên địa bàn Thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, Hà Nội có Hội Đông y Thành phố và 43 chi hội trực thuộc, trong đó có 30 chi hội quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, Thành phố là địa phương duy nhất có 2 bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền (Bệnh viện y học cổ truyền Hà Nội và Hà Đông), 13/13 bệnh viện đa khoa Thành phố có khoa y học cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y học cổ truyền; trong đó có 368 trạm y tế có v¬ườn thuốc nam mẫu.
Bên cạnh đó, toàn Thành phố có 699 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 35 cơ sở dịch vụ điều dưỡng, phục hồi chức năng; 106 cơ sở gia truyền; 61 cơ sở kinh doanh thuốc sống, thuốc phiến. Toàn Thành phố có trên 2 nghìn bác sỹ, lương y, trong đó tuyến Thành phố có 750 người, cấp quận, huyện là 630 người và cấp xã, phường là 635 người.
Với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc”, trong 10 năm qua, Hội Đông y Thành phố đã vận động hội viên khảo sát, sưu tầm các cây thuốc quý trên địa bàn, thành lập các hợp tác xã thuốc Nam, xây dựng 3 mô hình trồng cây thuốc Nam trên chân ruộng trũng, chân ruộng 2 lúa và vùng gò, đồi. Đến nay, toàn Thành phố đã có 720 vườn thuốc với diện tích trên 52 nghìn m2, cung cấp nguồn dược liệu quý phục vụ khám chữa bệnh tại chỗ cũng như bảo tồn các cây thuốc quý. Ngoài ra, trong 10 năm qua, Hội Đông y Thành phố đã sưu tầm được 77 cây thuốc quý, 117 phương pháp chữa bệnh đạt hiệu quả cao và gần 300 bài thuốc gia truyền…
Với những kết quả đó, trong 10 năm qua, ngành y tế và Hội Đông y các cấp đã tiến hành khám chữa bệnh bằng đông y cho hàng triệu lượt người, tỷ lệ khỏi bệnh và chuyển biển tốt đạt 80%. Các trường hợp như phong thấp, thấp khớp, đau dây thần kinh, dạ dày, đại tràng, viêm phế quản, sỏi thận… được điều trị hiệu quả. Đặc biệt, những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được điều trị bằng liệu pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, mang lại kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể, hướng dẫn các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các quận, huyện thị, hội về trụ sở, kinh phí, nhân lực, chế độ trợ cấp cho chủ tịch, phó chủ tịch Hội Đông y quận, huyện, thị xã và thành lập hội đông y các xã, phường, thị trấn để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Hội.
Đầu tư xây mới, nâng cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh viện y học cổ truyền các cấp. Nâng cao năng lực đào tạo nhân lực lĩnh vực y dược cổ truyền. Mở mã ngành đào tạo đối với đội ngũ lương ý và lương dược, có chương trình đào tạo và chuẩn hóa lương y thống nhất cả nước. Xây dựng hệ thống cung ứng và quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Thường xuyên tổ chức công nhận người có bài thuốc gia truyền nhằm tăng cường nguồn nhân lực phục vụ sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW và Thông báo kết luận số 154-TB/TW, đề nghị Trung ương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng đẩy mạnh việc phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong thời gian tới.
Thu Hằng