Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 15/10/2020 16:14'(GMT+7)

Hà Tĩnh huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Sáng 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã khai mạc với chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng-an ninh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.”

347 đại biểu đại diện ưu tú của gần 99.000 đảng viên trong tỉnh Hà Tĩnh đã dự Đại hội.

Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao Báo cáo chính trị và các văn bản do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII trình Đại hội; thể hiện tinh thần trách nhiệm, bao quát, toàn diện, tính xây dựng và tính chiến đấu cao.

Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có sự cố ô nhiễm môi trường biển Vũng Áng, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh với quyết tâm chính trị rất cao, đã phát huy truyền thống cách mạng hào hùng và nền văn hóa lịch sử đặc sắc; kế thừa thành tựu của những nhiệm kỳ trước; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế mà tỉnh Hà Tĩnh cần phải nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế.

Một số chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII chưa đạt. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là về đất đai, tài nguyên và môi trường.

Các đại biểu tham dự Đại hội. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Các đại biểu tham dự Đại hội. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và quân, dân tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần vào những thành tựu chung của cả nước, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, những kết quả nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ vừa qua để tiếp tục kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển.

Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương đã gợi mở và làm rõ thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để Đại hội nghiên cứu, tham khảo, cân nhắc thêm:

Một là, tiếp tục giữ gìn, nâng niu, trân trọng, củng cố, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ.

Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh; nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng.

Bốn là, giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; trong đó lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích.

Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, trên cơ sở xây dựng Hà Tĩnh thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Sáu là, những năm tới, dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi với diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, có tác động nhiều mặt đến đất nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Vì vậy, Đảng bộ Hà Tĩnh cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những yếu tố tác động.

Ngoài việc phát huy nội lực, tỉnh cần chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước.

Báo cáo chính trị do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày nêu rõ: Nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đất nước và tỉnh nhà có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Nhờ phát huy cao dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã giành được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện kịp thời, quán triệt, thực hiện kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tổ chức bộ máy cán bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, từng bước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường; xử lý nghiêm các tổ chức và đảng viên vi phạm.

Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hoạt động của chính quyền ngày càng đi vào chiều sâu.

Trong 5 năm qua, lĩnh vực kinh tế-xã hội đạt kết quả khá, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt gần 6%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên gần 65 triệu đồng. Thu nhập tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng.

Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng đạt 45,8%, dịch vụ 41,3%, nông nghiệp còn 12,9%. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực của nền kinh tế.

Giá trị sản xuất tăng từ 70 triệu đồng lên 90 triệu đồng trên một hécta. Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật; dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 90% số xã và 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015.

Việc huy động vốn tăng trưởng bình quân đạt 16,5% trên năm. Dư nợ tín dụng tăng bình quân 17,6% trên năm; thu hút đầu tư đạt kết quả khá.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, chất lượng giáo dục toàn diện cơ bản được giữ vững. Bộ máy tổ chức ngành y tế được sắp xếp tinh gọn, từng bước triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân. Lĩnh vực quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế về một số mặt. Việc nắm tình hình, diễn biến và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và việc xử lý một số vụ việc phát sinh từ cơ sở có thời điểm chưa kịp thời. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sự phát triển thiếu bền vững, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh phấn đầu trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; lĩnh vực văn hóa-xã hội tiến bộ; nền quốc phòng-an ninh được đảm bảo, là một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh sẽ đạt mức cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Đại hội diễn ra trong hai ngày 15-16/10./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất