Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 4/12/2015 9:58'(GMT+7)

HĐND các địa phương quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng

* Từ ngày 1-3/12, HĐND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã họp kỳ cuối năm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020. 

Năm 2015, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh Hòa Bình tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,5%; lạm phát được kiểm soát với chỉ số tiêu dùng tăng 1,5%; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có bước tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện. Tỉnh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,46%; văn hóa - xã hội có bước phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

HĐND tỉnh Hòa Bình đã ra Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế... Năm 2016, Hòa Bình phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%. 

Hòa Bình cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; ưu tiên xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, hạn chế tối đa tình trạng phân bổ vốn dàn trải. 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Hòa Bình còn thông qua Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp bảo vệ di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh và bầu bổ sung ba thành viên UBND tỉnh. 


* Trong 2 ngày 2 và 3/12, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa VIII đã thông qua 11 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân địa phương giai đoạn 2016 - 2020. 


Trong năm 2015, tỉnh Hậu Giang đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng khích lệ, có 20/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. An ninh chính trị và quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. 


Năm 2016, tỉnh Hậu Giang xác định duy trì, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tập trung phát triển cơ cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đời sống đồng bào dân tộc Khmer. 


Tỉnh Hậu Giang thực hiện các giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nâng cao giá trị, chất lượng sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp-xây dựng, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe cho người dân... 


Hậu Giang phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế đạt 6,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm; đào tạo và giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, chủ yếu là lao động vùng nông thôn. Đến năm 2020, đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Dồng bằng sông Cửu Long, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp 


* Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bến Tre khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016, nhiều đại biểu đã yêu cầu UBND tỉnh đưa ra các giải pháp cụ thể phòng, chống hạn mặn trong mùa khô 2015 - 2016, vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trương Duy Hải đã nêu nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo đó, về sản xuất lúa, tỉnh bố trí lịch thời vụ hợp lý (vụ Đông Xuân và Hè Thu) để "né" mặn; một số vùng chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu sử dụng ít nước tưới và có thời gian thu hoạch sớm hơn, đặc biệt khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa trung hạn. Với các công trình thủy lợi, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, chống thất thoát nguồn nước, cung cấp kịp thời và đủ nước tưới cho lúa và rau màu. Trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, các khu công nghiệp, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức nạo vét các kênh, mương nội đồng, đắp đập cục bộ để giữ nước ngọt ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước. 

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết để chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Một số ngành, doanh nghiệp mua sắm phương tiện chở nước cung cấp cho người dân vùng sâu, vùng biển, tránh để người dân phải sử dụng nước sạch với giá cao như trong mùa khô vừa qua../. 


TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất