Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng, là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững, bao trùm của đất nước. Vì vậy, 60 năm nay, công tác dân số luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 04 - NQ/NTW Hội nghị Trung ương Đảng khoá VII, ngày 14/01/1993 về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, xác định: “Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.
Năm 2001, khi mức sinh giảm thấp, mục tiêu “Mỗi gia đình có 2 con” đạt được, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh vấn đề nâng cao CLDS: “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng CLDS phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội…”. Văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đều đề cập vấn đề nâng cao CLDS. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” yêu cầu: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ DS/KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là CLDS và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”. Gần đây nhất, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 được ghi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là:“Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, CLDS, gắn dân số với phát triển”.
Rõ ràng, bước sang thế kỷ 21, nâng cao CLDS là bộ phận quan trọng, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong chính sách phát triển đất nước nhanh, bền vững nói chung và chính sách dân số nói riêng của Đảng.
Theo Pháp lệnh dân số của Việt Nam năm 2003,“CLDS là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”. CLDS thường được đo lường bằng “Chỉ số phát triển con người” (Human Development Index- HDI). Chỉ số này được tổng hợp từ các chỉ số về sức khỏe (Tuổi thọ trung bình), giáo dục (Số năm đi học trung bình) và kinh tế (Thu nhập quốc dân bình quân đầu người).
|
THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC
CLDS Việt Nam tăng lên không ngừng nhưng so với các nước trên thế giới thứ hạng chưa cao và có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, các vùng, các địa phương.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta không ngừng tăng lên, từ 0,496 năm 1992 đã đạt 0,704 vào năm 2019 và lần đầu tiên được xếp vào nhóm có HDI cao. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước có HDI cao nhất và năm 2019 vẫn xếp hạng 117, trong tổng số 189 nước so sánh (1). Mặt khác, HDI khu vực thành thị đã đạt mức cao: 0,832; còn ở nông thôn chỉ có: 0,647. So với các vùng, Đông Nam Bộ có HDI cao nhất: 0,810 còn Trung du và miền núi phía Bắc là 0,603; đối với cấp tỉnh: 13 tỉnh và thành phố có HDI vào loại cao; trong đó, cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh: 0,855; Hà Nội: 0,836. Vẫn còn 31 tỉnh HDI trung bình và 19 tỉnh HDI thấp; đặc biệt HDI của Cao Bằng là 0,39; Điện Biên: 0,35; Hà Giang: 0,31. Kết quả này cho thấy CLDS nước ta khác biệt rõ rệt theo khu vực thành thị - nông thôn; giữa các vùng và giữa các tỉnh (2).
Việc tính toán HDI, thoạt nhìn dường như chỉ liên quan đến người trưởng thành (vì tính đến trình độ học vấn, năng suất lao động,…) nhưng thực ra lại liên quan ngay từ giai đoạn đầu đời. Nếu trẻ sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh hoặc lớn lên bị suy dinh dưỡng, sức khỏe không tốt sẽ hạn chế, thậm chí mất khả năng học tập, lao động sau này.
Trên thế giới “khoảng 7% tổng số trẻ khi sinh ra đã mắc bệnh, tật bẩm sinh (BTBS) nghiêm trọng có thể gây tử vong hoặc dẫn đến tàn tật suốt đời”(3). Ở nước ta, tỷ lệ này cũng khá cao, năm 2006 khoảng 5,5% số trẻ sinh sống(4). Tuy nhiên, trong 10 năm (2001-2011), Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Từ Dũ (Tp. Hồ Chí Minh) đã tầm soát trước sinh cho 90.076 phụ nữ mang thai đã phát hiện 7.006 trường hợp thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể, BTBS, tỷ lệ tới 7,8%(5) .
Tỷ lệ suy dinh dưỡng, béo phì ở Việt Nam còn lớn. Năm 2018, trẻ dưới 5 tuổi thấp còi là 23,2%; nhẹ cân là 12,8%. Đặc biệt, các tỉnh miền núi, như: Kon Tum các tỷ lệ nói trên là 36,9% và 22%; Lai Châu: 34,6% và 21,2%;… Ngược lại, tình trạng béo phì cũng đáng báo động: Cả nước là 7,1%; Thành phố Hồ Chí Minh, lên tới 11,16%. Suy dinh dưỡng hoặc béo phì thường kéo theo những bệnh khác ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học tập, lao động, cuộc sống sau này của trẻ (6) .
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có tình trạng suy dinh dưỡng. Chiều cao trung bình của nam chỉ đạt 164,7cm; nữ là 153,6cm. Việt Nam trong số 15 quốc gia mà dân số trưởng thành thấp nhất thế giới(7). Năm 2014, tỷ lệ bà mẹ thiếu năng lượng trường diễn nhóm tuổi (15-49) là 15,1%. Đối với phụ nữ mang thai, nếu suy dinh dưỡng dễ sinh non, thai nhi yếu, dị tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi.
Về tỷ lệ khuyết tật, thương tích cao, đầu những năm 2000, nước ta có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm 6,3% tổng dân số. Trong đó 1,5 triệu người được xếp vào loại khuyết tật nặng. Nguyên nhân khuyết tật trên 1/3 là do bẩm sinh, 1/3 là do bệnh tật, 1/4 là do hậu quả chiến tranh”(8). Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, 6,2% dân số từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật. Năm 2019, tiêu chuẩn khuyết tật chặt chẽ hơn, tỷ lệ này là 3,7%, tức là vào khoảng 3,3 triệu người 5 tuổi trở lên bị khuyết tật(9).
Tuổi thọ của người Việt Nam được nâng cao và sức khoẻ của người cao tuổi được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam năm 1989 là 65,2 năm thì năm 2019 đạt tới 73,6 năm. Năm 1989, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) tự đánh giá sức khỏe tốt chỉ có 3,7%; năm 2018 tăng lên 25,6%; còn NCT tự đánh giá sức khỏe yếu đã giảm từ 30,1% xuống 26,6% (10).Tuy nhiên, tỷ lệ NCT có sức khoẻ tốt còn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, như: Trung quốc: 39%, Malaysia: 54% và Hàn Quốc: 59% (11). Mặt khác, tuổi thọ bình quân của nước ta khá cao nhưng trung bình mỗi phụ nữ sống có bệnh tật khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm (12).
Số năm đi học trung bình của người dân Việt Nam không cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp. Năm 2019, số năm đi học trung bình là 9,0 năm. Số năm học kỳ vọng là 12,2 năm. Các con số này ở Đức tương ứng là 14,2 và 17 năm; Philippine là 9,4 và 13,1. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) từ sơ cấp trở lên ở cả nước là 21,3%. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ này cao nhất cũng mới đạt 31,8%; Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 13,6%(13). Đây là một yếu tố khiến năng suất lao động chưa cao.
Về sức khỏe tâm thần, năm 2018, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam từ 8% đến 29%. Sự khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của nhóm dân cư. Năm 2014, khảo sát 10 tỉnh/thành cho thấy 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần(14) còn theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, khoảng 14,2% dân số mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Đặc biệt, tỷ lệ tự sát năm 2015 là 5,87/100.000 dân; năm 2019 tăng lên 6,3/100.000, chiếm 1% trong số người chết(15).
Năng suất lao động ở nước ta còn thấp. Năng suất lao động là một chỉ báo quan trọng về CLDS. Năm 2019, theo sức mua tương đương, thu nhập quốc dân bình quân đầu người của nước ta là 7.910 USD, xếp thứ 128 trong tổng số 192 nước so sánh(16).
HỆ THỐNG GIẢI PHÁP
CLDS chưa cao hạn chế chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đồng thời là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững, bao trùm của Việt Nam. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm, đa dạng giải pháp thích hợp với mỗi giai đoạn cuộc đời nhằm nâng cao CLDS Việt Nam.
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc rằng, nâng cao CLDS là tiêu điểm của chính sách dân số Việt Nam hiện nay, là trách nhiệm của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Nhờ kiên trì đẩy mạnh KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được và duy trì vững chắc mô hình gia đình nhỏ, “mỗi cặp vợ chồng có 2 con”. Như vậy, tính chung trên phạm vi cả nước, Việt Nam đã giải quyết xong bài toán “số lượng dân số”. Trong khi đó, CLDS tăng lên nhưng chưa cao. Song, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, có sự phát triển mạnh mẽ của y học, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ… có thể giúp gia đình “sinh con không bệnh, tật bẩm sinh; nuôi con khỏe, dạy con tốt”. Rõ ràng, Việt Nam, đã có điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn đề CLDS. Vì vậy, từ khi bước sang thế kỷ 21, tiêu điểm của chính sách dân số của Đảng Cộng sản Việt Nam là nâng cao CLDS. Do đó, thực hiện chính sách này, đương nhiên là trách nhiệm của cả hệ thống Đảng, Chính quyền, Đoàn thể,…
Nâng cao CLDS lại là trách nhiệm của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Cụ thể, mỗi cá nhân: Ăn uống đủ chất, lối sống lành mạnh, thường xuyên thể dục… Gia đình: Bố mẹ không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết, sinh ít con, thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh… để con cái có khả năng không bị bệnh, tật bẩm sinh,… Xã hội: Cung cấp thực phẩm sạch, dịch vụ Y tế tốt, giữ gìn môi trường trong lành,…
Thứ hai, nâng cao CLDS phải làm từ rất sớm, thậm chí trước cả giai đoạn đầu đời và liên tục cho tới giai đoạn cao tuổi. Cần đa dạng hóa các giải pháp để thích hợp với từng giai đoạn trong chu trình sống của con người.
Nâng cao CLDS đòi hỏi một hệ thống các giải pháp thích hợp và liên tục, như: Tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để tiến tới 100% những người kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; Khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để tiến tới 100% thai nhi được tầm soát trước sinh và 100% trẻ em mới sinh được tầm soát bệnh tật sau sinh, trước hết là những người “có nguy cơ cao” về sinh sản, những người nghèo, cận nghèo; Khuyến khích vận động phụ nữ không sinh sớm (dưới 19 tuổi) và không sinh muộn (trên 40 tuổi).
Duy trì vững chắc mô hình “Mỗi gia đình có 2 con”, tiếp tục đẩy mạnh KHHGĐ ở các tỉnh mức sinh còn cao (thường là các tỉnh miền núi). Đẩy mạnh phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ngành Y tế tập trung phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu nâng cao CLDS đầu đời, đặc biệt là khoa học - công nghệ tầm soát trước sinh và sau sinh.
Song song với đó, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phát triển đào tạo nghề, xây dựng Đại học tinh hoa. Do mức sinh giảm, thấp, Việt Nam không còn nhu cầu mở rộng quy mô giáo dục phổ thông và đã có cơ hội để chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng. Mặt khác, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ CMKT còn thấp, vì vậy, nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các trường công và tư mở rộng đào tạo CMKT cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng Đại học tinh hoa vào được danh sách 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Các nước phát triển, các nước có kinh tế phát triển nhanh ở châu Á đều có Trường đại học nằm trong danh sách này, như: Trung Quốc có 5 trường, Hàn Quốc có 2; Singapore có 2. Việt Nam hiện chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách này.
Sẽ khó phát triển, nếu không có những trường Đại học tinh hoa, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời làm đầu tàu dẫn dắt các Đại học khác. Vì vậy, cần dồn sức xây dựng để sớm có ít nhất 1 trường đại học tinh hoa, thuộc nhóm 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Cần đổi mới chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và đào tạo liên tục nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần thực hiện già hóa khỏe mạnh. Số lượng và tỷ lệ NCT nước ta tăng nhanh. Nâng cao CLDS NCT sẽ góp phần tích cực vào nâng cao CLDS nói chung. Điều này có thể thực hiện thông qua “Già hóa khỏe mạnh”. Đó là quá trình phát triển và duy trì khả năng hoạt động cho phép mang lại hạnh phúc tuổi già. “Già hóa khỏe mạnh” không chỉ là việc của NCT mà còn là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp và nhà nước.
Thứ ba, đầu tư nâng cao CLDS không chỉ là là đầu tư mang lại hiệu quả rất cao cho sự phát triển bền vững mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhà nước cần chú trọng, ưu tiên ngân sách cho việc nâng cao CLDS, đồng thời động huy động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế.
Như đã biết, ở nước ta, tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh (BTBS) của thai nhi khá cao, tới 7,8%. Với 100 triệu dân và mức sinh như hiện nay, mỗi năm khoảng 1,6 triệu ca sinh. Nếu không tầm soát sẽ có khoảng 124.800 trẻ bị BTBS. Nếu tích lũy 50 năm, sẽ có khoảng 6,244 triệu người BTBS. Đây là nỗi bất hạnh của cá nhân và gia đình. Tình trạng này ảnh hưởng tới Chương trình xóa đói, giảm nghèo. Ở tầm dài hạn, tác động mạnh đến lực lượng lao động, năng suất lao động. Tầm soát trước và sau sinh có thể ngăn chặn, hạn chế được những hậu quả nặng nề này.
Mặt khác, nếu CLDS cao thì người cao tuổi không còn là “gánh nặng phụ thuộc”. Họ vẫn có khả năng sản xuất, kinh doanh… đến một độ tuổi nào đó, 65-70 chẳng hạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. CLDS cao không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mang lại giá trị nhân văn, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội. Chính vì vậy, đầu tư cho nâng cao CLDS là đầu tư hiệu quả rất cao cho sự phát triển bền vững.
Những giải pháp nâng cao CLDS, như: Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát thai nhi trước sinh và tầm soát bệnh tật sau sinh, KHHGĐ… cũng là những hành vi chưa từng có trong lịch sử. Thực hiện được những hành vi này là cuộc cách mạng sinh sản, vô cùng khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có đầu tư “mồi” để khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện. Khi đã vào nền nếp, nhà nước có thể thu phí dịch vụ như các dịch vụ thông thường khác. Mặt khác, phải huy động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế, vì chi phí để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo hàng trăm triệu dân là khoản kinh phí khổng lồ mà Ngân sách của bất kỳ quốc gia nào cũng không có đủ.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử
------------
(1) UNDP: Human Development Report 2020: http://hdr.undp.org/en/2020-report
(2) Nguyễn Đình Cử: CLDS Việt Nam, Báo cáo khoa học tại Hội thảo về CLDS Việt Nam tại Đại học Kinh tế quốc dân, 11-2020.
(3) Carroll J, Rideout A, Wilson B, Allanson J, Blaine S, Esplen M, et al (2013), Maternal age-based prenatal screening for chromosomal disorders - Attitudes of women and health care providers toward changes, Canadian Family Physician, 59:39-47.
(4) Christianson A., Howson C. P., Modell B. (2006), "Global Report on Birth Defects: The Hidden Toll of Dying and Disable Children", March of Dimes,pp. 1-16.
(5) Viện Chiến lược và Chính sách Y tế. Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh va sơ sinh tại một số tỉnh/thành phố. Hà Nội, 2015.
(6) Viện dinh dưỡng. Tỷ lệ Suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo các mức độ, theo vùng sinh thái 2018.
http://chuyentrang.viendinhduong.vn/FileUpload/Documents/Dinh%20duong%20tre%20em/TLSDD%20duoi%205%20tuoi%20theo%20cac%20muc%20do%20nam%202018.pdf
(7) Tuoitre online: Người Việt Nam đứng trong top 15 nước thấp nhất thế giới https://thethao.tuoitre.vn/nguoi-viet-nam-dung-trong-top-15-nuoc-thap-nhat-the-gioi-20191018120116663.htm
(8) Người khuyết tật ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008.
(9) (13) (15) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương: Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, Nxb. Thống kê, H, 2019.
(10) Diễn đàn các đại biểu dân cử về Dân số và Phát triển: Vấn đề dân số hôm nay. Số 1, Quý 1/1999.
(11) Nguyễn Đình Cử: Những xu hướng biến đổi dân số ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, H, 2007.
(12) http://congan.com.vn/tin-chinh/tuoi-tho-nguoi-viet-nam-tang-cao-nhung-so-nam-song-khoe-manh-thap_105064.html
(14) UNICEF. Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam.
(15) https://www.unicef.org/vietnam/media/1016/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt.pdf
(16). World Bank. Gross national income per capita 2019, Atlas method and PPP file:///C:/Users/duymi/OneDrive/Desktop/GNIPC.pdf