Sáng thứ 2 đầu tuần ngày 3-4, ở Tỉnh ủy Lâm Đồng, dường như rộn ràng hơn những ngày làm việc bình thường khác. Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại đây đến sớm hơn bình thường, trang phục chỉnh tề để chuẩn bị tham dự buổi sinh hoạt dưới cờ như thường lệ. Tham dự buổi chào cờ có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Đúng 7h sáng, các cán bộ, công chức, viên chức ngay ngắn đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, các thành viên tham gia sinh hoạt tự hào hát vang bài Quốc ca. Sáng thứ hai tuần này, sau nghi thức chào cờ trang nghiêm, đồng chí Trần Thị Mỹ Phương (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng) đã kể câu chuyện Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi.
Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố bản “Tự phê bình” trước toàn thể nhân dân. Mở đầu, Chủ tịch viết:
“Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”.
Sau khi nêu lên những công việc làm trong hoàn cảnh khó khăn, Người tự nhận xét: “Ngoài những việc đó, Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân. Tuy nhiên người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chi sợ không biết kiên quyết sửa nó đi…
… Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.
Cuốn bản “tự phê bình”, Bác Hồ thân yêu của chúng ta viết: “Tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ”.
Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi.
Đồng chí Trần Thị Mỹ Phương chia sẻ, qua câu chuyện trên, chúng ta đều thấy được trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ luôn đề cao yêu cầu phải thường xuyên làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình, Người đã chỉ rõ: "Đảng ta không phải trên trời sa xuống". Đảng cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng, sở dĩ Đảng có sai lầm, khuyết điểm vì thực tiễn và lý luận còn kém, chế độ công tác chưa phù hợp, dân chủ chưa thật mở rộng và vì tự phê bình và phê bình chưa được phát huy.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm gương về tự phê bình và phê bình. Người đã không ngần ngại nói với đồng chí, đồng bào rằng: "Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi", đồng thời Người đã thẳng thắn yêu cầu: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ "nể cụ" không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người".
Thực tế, trong công tác, nhiều cán bộ, đảng viên rất ngại đóng góp ý kiến phê bình đồng nghiệp, đồng chí, nhất là với các vị lãnh đạo, vì lẽ thường tình ở đời phần lớn người ta thích nghe những lời ngon ngọt và rất “dị ứng” với những gì đụng chạm đến khuyết điểm của mình. Họ không nghĩ rằng người ta góp ý để mình sửa sai và phấn đấu hoàn thiện hơn mà ngược lại, cho rằng người phê bình có dụng ý “triệt hạ”, làm giảm uy tín của mình trước tập thể v,v… Với Bác, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức cộng sản, làm hại đồng chí của mình. Bản thân người không nghiêm túc tự phê bình cũng đã tự hại mình. Bác đã nói :
“Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình…” . Người còn cho rằng, thực hiện tự phê bình và phê bình không chỉ vì sự tiến bộ của cá nhân mình mà còn: “Vì Đảng, vì dân tộc, vì giai cấp, vì chủ nghĩa cộng sản mà phải phê bình, tự phê bình.
Thông qua câu chuyện kể trên, các cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, người lao động ở Tỉnh ủy cũng nhận thức rõ rằng, thực hiện lời dạy của Bác cũng như thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” trong nội bộ. Là một người công chức công tác trong ngành tổ chức Xây dựng Đảng, đồng chí Trần Thị Mỹ Phương đã đề xuất 04 giải pháp nhằm tăng cường tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên.
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình. Để thực hiện giải pháp này, cần làm rõ tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt của mỗi tổ chức cần thường xuyên nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, trong cộng đồng để tạo uy tín, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cần thường xuyên được quan tâm chú trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân bên cạnh nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình cần có ý thức tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; tích cực học tập, công tác và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người gương mẫu, đi đầu trong tự phê bình và phê bình. Theo Bác thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, phương pháp nêu gương về tự phê bình và phê bình là phương pháp nên được sử dụng rộng rãi để phát huy hiệu quả. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phải nhận thức sâu sắc về tính gương mẫu, đi đầu trong công tác phê bình và tự phê bình, đồng thời lãnh đạo, tổ chức và nghiêm túc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình một cách tự giác, có hiệu quả. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp uỷ viên, các đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém, đồng thời làm gương về tự phê bình và phê bình, đặc biệt là “nói phải đi đôi với làm” nghĩa là nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi tự phê bình và phê bình.
Ba là, đổi mới nội dung và hình thức tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Nội dung tự phê bình và phê bình phải là những vấn đề cụ thể, sát thực đối với đời sống hàng ngày, phải đúng và trúng, sát hợp với những vấn đề cấp thiết nóng bỏng của cuộc sống đang đặt ra cũng như phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên. Hình thức tự phê bình và phê bình phải rất đa dạng, phong phú như: thông qua các cuộc hội họp, hội nghị, các sinh hoạt nội bộ tổ chức (sinh hoạt đảng và sinh hoạt của các đoàn thể, sinh hoạt cơ quan, đơn vị…) và ngay trong cuộc sống thường ngày với gia đình và những người xung quanh ở khu dân cư. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cần thường xuyên có những sinh hoạt chính trị bổ ích (nghe thời sự, chuyên đề, học tập lý luận chính trị...) để nâng cao ý thức chính trị; kỷ niệm các ngày lễ lớn của cách mạng, của dân tộc, của địa phương nhằm khơi dậy truyền thống và nhất là duy trì các hoạt động giao ban, sinh hoạt chi bộ và ngay cả chào cờ đầu tuần làm việc để nhắc nhở cán bộ, đảng viên về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng và phát triển đơn vị, địa phương, đất nước.
Bốn là, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chủ động, tự giác tự phê bình và phê bình. Người cán bộ, đảng viên muốn giữ đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng thì phải thường xuyên xem xét lại mọi hành động, mọi việc làm của bản thân mình. Từng ngày, từng giờ người đảng viên phải xem lại những việc làm của mình có đúng, có phù hợp với những chuẩn mực của xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay không? Chỉ có như vậy mới giúp cho cán bộ, đảng viên tránh được những sai lầm, khuyết điểm không đáng có. Bác khuyên rằng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”.
Có thể khẳng định, hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa 12, trong đó việc tự phê bình và phê bình là một nội dung rất quan trọng và đang trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và sâu sắc. Cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác, noi theo tấm gương mẫu mực của Bác về tự phê bình và phê bình, chắc chắn việc quán triệt Nghị quyết Trung ương IV sẽ đạt được kết quả tích cực nhằm xây dựng Đảng ta thật trong sạch vững mạnh để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ hằng mong muốn.
Buổi sinh hoạt dưới cờ đã trở thành nét đẹp văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, lan tỏa xuống tận các thôn, tổ dân phố ở Lâm Đồng. Sau phần chào cờ, hát Quốc ca sẽ tổ chức sinh hoạt chính trị dưới cờ, nội dung: Kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ hoặc một bài viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, từ đó liên hệ tình hình thực tế gắn với tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tại địa phương nhằm nâng cao tính thuyết phục, tính giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần đã tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên và người dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc làm này cũng đã dần trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức ở đây, có tác động có sâu sắc đến ý thức của cán bộ, đảng viên cơ sở và đông đảo nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã duy trì và nhân rộng mô hình chào cờ và sinh hoạt chính trị dưới cờ hàng tuần. Đến nay, 100% cơ quan đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn tổ chức chào cờ; có 913/1568 thôn, tổ dân phố tổ chức chào cờ sáng thứ 2 đầu tháng, chiếm gần 60% số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đây là nội dung cốt lõi của việc xây dựng Đảng về đạo đức, một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính chất quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Trong thực hiện, Lâm Đồng đã gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị để kịp thời giải quyết; đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu tự giác "học trước, làm theo trước", để nêu gương cho cấp dưới và cán bộ, đảng viên; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở chi bộ, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; xây dựng Bản cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong gần 01 năm qua đã có hơn 600 tin, bài, phóng sự về nội dung này. Có thể nói, sau gần một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục gặt hái nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên về nhận diện các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn; đồng thời tăng cường nhận thức, tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có thể khẳng định, buổi sinh hoạt dưới cờ là một trong những hoạt động thiết thực của Lâm Đồng trong việc học tập và làm theo Bác, được duy trì từ năm 2009. Và từ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm dần vào mỗi con người, trở thành công việc thường xuyên, nền nếp, hiệu quả và thiết thực.
Thu Hằng