(TG) - Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 11/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong tỉnh Hòa Bình về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng cao.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động ngày càng có hiệu quả, các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã từng bước khắc phục những yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động. Các hợp tác thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng so với những năm trước; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được đầu tư, xây dựng khang trang và quy mô. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được triển khai rộng khắp. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã bám sát cơ sở để nắm bắt kịp thời hoạt động của các thành viên.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 40% hợp tác xã hoạt động khá trở lên, 52% hợp tác xã hoạt động trung bình; có 100% cán bộ chủ chốt hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hợp tác, hợp tác xã và pháp luật có liên quan; có 6,04% số cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo và có trình độ Cao Đẳng, Đại học trở lên.
Tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho 400 cán bộ công chức các cấp trong tỉnh và 6 lớp tập huấn cho 290 cán bộ quản lý các hợp tác xã; mở 45 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 1.500 cán bộ quản lý các cấp và cán bộ quản lý hợp tác xã; 40 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý hợp tác xã, kỹ năng xúc tiến thương mại… cho hơn 2.500 cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã.
Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/ KH-UBND ngày 13/11/2015 về hỗ trợ, phát triển hợp tác xã tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2020. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã đã đã tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể như: Nhãn Sơn Thủy - huyện Kim Bôi, rau su su - huyện Tân Lạc với tổng kinh phí khoảng 380 triệu đồng…; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đã hỗ trợ cho 04 hợp tác xã vay vốn để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.450 triệu đồng; thực hiện giải ngân 11 dự án cho hợp tác xã vay vốn với tổng số tiền là 2.600 triệu đồng; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới là 900 triệu đồng, bình quân 15 triệu đồng/HTX; hỗ trợ hợp tác xã tổ chức lại bộ máy là 7 triệu đồng/HTX); hết năm 2016, có khoảng 28 hợp tác xã được vay vốn với tổng dư nợ là 5.782 triệu đồng.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 11/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã phát huy được mô hình hợp tác xã kiểu mới, đã xuất hiện một số hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.
Thái Sơn