Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 16/10/2023 8:55'(GMT+7)

Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, ổn định việc làm, bảo đảm an sinh

Nhân viên ngành BHXH phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại chợ Hạ Long, thành phố Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Nhân viên ngành BHXH phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại chợ Hạ Long, thành phố Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng   

Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khẳng định: “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững” trong đó, nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng.

Bao gồm, tầng 1 trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Tầng 2 BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng 3 bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV cho rằng, để hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, hiện đại, bền vững, dựa trên quyền con người theo Hiến pháp và cách tiếp cận vòng đời ở Việt Nam, cần phải hoàn thiện chính sách BHXH theo hướng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch theo hướng mở rộng diện tham gia BHXH, làm cho hệ thống BHXH trở nên hấp dẫn hơn, để tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động xã hội, ổn định việc làm, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân.       

Mục tiêu có tính chất căn bản sửa đổi luật BHXH 2014 là bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, dựa trên quyền con người theo Hiến pháp 2013 (Điều 34); đặc biệt là phải hướng đến xây dựng sàn lương hưu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người nghỉ hưu theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế phải theo hướng bắt buộc tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, như BHYT toàn dân.

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sự cần thiết sửa đổi Luật BHXH phải bảo đảm 11 nội dung cải cách theo quy định tại Nghị quyết 28/TW, đó là: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH. Đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức. Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần. Thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Điều chỉnh tỉ lệ tích luỹ để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thể chế rất cần thiết quy định lộ trình để hướng tới hoàn thiện pháp luật.

Xu hướng tất yếu để mở rộng diện bao phủ BHXH tiến tới bao phủ toàn dân là phải loại bỏ rào cản pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện BHXH số. Mở rộng qui định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho các nhóm lao động có khả năng tham gia, nhưng hiện không được bao phủ. Thông qua hiệu quả và kinh nghiệm thực hiện BHYT, từ BHYT tự nguyện đến BHYT hộ gia đình bắt buộc kết hợp với trợ cấp phí đóng BHYT cho 1 số nhóm đối tượng đã đem lai độ bao phủ BHYT đạt đích 95% dân số..

Để sớm đạt mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH hướng đến bao phủ toàn dân và bảo đảm hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bền vững, thông qua các chính sách hỗ trợ; tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn chẳng hạn như trợ cấp thai sản hoặc trợ cấp trẻ em, đồng thời có thể quy định giảm bớt quyền lợi hưởng nếu rút sớm và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các nguồn lợi ưu tiên khác.

Trong quá trình hội nhập Luật BHXH phải bảo đảm phù hợp với các công ước và điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết. Tuy nhiên, vẫn chưa có chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em là một trong 9 chế độ BHXH tối thiểu quốc gia cần cung cấp. Nếu qui định chế độ trợ cấp trẻ em sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Bảo đảm xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng có liên kết chặt chẽ là cơ sở để xây dựng một hệ thống hưu trí toàn dân và đầy đủ, bền vững về tài chính trong xu hướng già hóa dân số. Trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng nhưng phải tính đến quá trình chia sẻ và phân phối lại vì BHXH là trụ cột cơ bản của an sinh xã hội.

Thiết kế luật bảo đảm thống nhất quản lý chung cho cả lương hưu BHXH, trợ cấp hưu trí xã hội và hưu trí bổ sung, đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đạt được mục tiêu dài hạn là bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Điều này sẽ giúp hình thành ba lớp đảm bảo thu nhập cho người già gồm trợ cấp xã hội từ ngân sách, hưu trí cơ bản từ quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng và hưu trí bổ sung theo tài khoản cá nhân…

Đề xuất hoàn thiện Luật BHXH (sửa đổi)

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Điều 3, khoản 6 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) “giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ” là phù hợp, cần thiết.

Tuy nhiên, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Hiện nay, có 2 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Trong lần sửa đổi Luật BHXH này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có dăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân. Theo đó, cần thiết sửa đổi:

Khi sửa đổi Luật BHXH 2014, đã đề cập đến lộ trình bỏ sổ BHXH và trong thực tế sổ BHXH không cần thiết, vì chúng ta đã thưc hiện công nghệ thông tin, cải cách hành chính; đặc biệt là hiện nay, BHXH đã có hệ thống VSSID và căn cước công dân đang cập nhất đầy đủ thông tin. Do đó nếu ban hành sổ BHXH là lãng phí, tăng thêm thủ tục hành chính.

Vì vậy, việc đăng ký tham gia BHXH phải hướng đến tất cả công dân từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có việc làm, có thu nhập cần thiết phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) và từng bước tiến tới tham gia BHXH bắt buộc. Thực hiện BHXH số tiến tới thu BHXH qua thuế và App điện thoại, hạn chế thu, nộp trực tiếp để bảo đảm công khai minh bạch, tránh sai sót. Mục tiêu là đạt được an sinh xã hội và tiến tới bao phủ BHXH toàn dân theo NQ 28/TW của Trung ương.

Về Quản lý thu, đóng BHXH, gốc của vấn đề là các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, Trung tâm thông tin dữ liệu quốc gia kết nối thống nhất chia sẽ dữ liệu, cơ quan BHXH tiếp nhận đăng ký và quản lý. Nếu các cơ quan đơn vị không thực hiện nghiêm túc phải xử lý theo quy định của pháp luật; không nên quy định chạy theo đối tượng quản lý.

Căn cứ đóng BHXH tại Điều 37, Mục b, Khoản 1 nên bỏ “các khoản bổ sung khác” vì lâu nay quy định nhưng không thực hiện được và gây tranh cãi. Nên quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương trả thường xuyên, được hạch toán vào giá thành sản phẩm và trả ổn định trong mỗi kỳ trả lương (ít nhất bằng 70% tổng thu nhập tiền lương)./.

Theo baotintuc.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất