Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 4/11/2011 20:27'(GMT+7)

Hoàn thiện Dự thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật

 Trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2011, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật. Các đại biểu thống nhất cho rằng cùng với việc quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác thi hành pháp luật ngày càng được chú trọng. Đây là khâu then chốt trong quá trình thực hiện yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật vẫn còn những điểm bất cập như pháp luật chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương và trong phạm vi cả nước; nhiều quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống; hoạt động thi hành pháp luật còn có xu hướng tách rời, chưa thực sự gắn bó với quá trình xây dựng pháp luật và góp phần hoàn thiện pháp luật; chưa có cơ chế để cơ quan tư pháp, pháp chế phối hợp theo dõi chung về thi hành pháp luật trong pham vi ngành, lĩnh vực, địa phương và trong phạm vi cả nước. Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp được các đại biểu nhấn mạnh đó là cần tăng cường kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật. Ông Nguyễn Đức Giao (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật- Bộ Tư pháp) cho rằng về tổng thể, chúng ta vẫn chưa có một cơ chế hợp lý, đầy đủ, toàn diện, bao quát để đánh giá tình hình tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước; đánh giá việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; khắc phục, xử lý các vấn đề sai sót, vướng mắc được phát hiện trong thi hành pháp luật.... Việc ra đời của Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập hiện nay.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 25 điều. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong theo dõi thi hành pháp luật (là các cơ quan theo dõi thi hành pháp luật), không quy định việc theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước khác như Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan quyền lực nhà nước. Trong quá trình thực hiện theo dõi thi hành pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với cơ quan giám sát, truy tố, xét xử để trao đổi, nắm bắt thông tin... Dự thảo Nghị định quy định các hình thức theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu là: ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật, báo cáo tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, giao ban về tình hình thi hành pháp luật.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chi tiết nội dung của Dự thảo Nghị định, tập trung vào các nhóm vấn đề về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; hình thức theo dõi thi hành pháp luật; đánh giá tình hình thi hành pháp luật và tiêu chí thống kê tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật; hoạt động kiểm tra thi hành pháp luật.... Các đại biểu đóng góp ý kiến đối với hình thức giao ban (trong hình thức theo dõi thi hành pháp luật). Đây là hình thức mới, được dự thảo quy định trên cơ sở Quyết định 114/QĐ-TTG ngày 25/5/2006 quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc bổ sung hình thức này nhằm tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, UBND các cấp trong việc nắm chắc tình hình thi hành pháp luật, kịp thời chỉ đạo, kiến nghị các giải pháp nhằm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, đồng thời tạo hình thức phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa các cơ quan hành chính và tòa án, kiểm sát, tổ chức chính trị- xã hội trong theo dõi thi hành pháp luật...

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật luật - Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ xem xét trong tháng 12 tới./.


Quỳnh Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất