Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao; các đồng chí Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng: Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đào Hồng Lam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh.
Các đồng chí chủ trì hội nghị: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng;
Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành uỷ, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyên thông, Hội Nhà báo cán tỉnh, thành phố; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI, THỐNG NHẤT, HIỆU QUẢ, ĐỒNG BỘ, THUYẾT PHỤC
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, năm 2019, công tác chỉ đạo, định hướng, tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin trên báo chí, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ so với các năm trước, bảo đảm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin: Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban trong chỉ đạo, định hướng thông tin được thực hiện hiệu quả. Việc thống nhất cơ chế chỉ đạo, cung cấp thông tin báo chí góp phần cung cấp thông tin một cách nhanh nhất và đưa ra những quyết định kịp thời trong chỉ đạo thông tin, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ được vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Thực hiện Quy hoạch báo chí, trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018.
Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó:
- 179 Báo (Trung ương: 83, địa phương: 96), trong đó 116 Báo có hoạt động báo điện tử.
- 648 Tạp chí (Trung ương: 543, địa phương: 105), trong đó 52 Tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử.
- 23 Cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 16 Báo điện tử và 7 Tạp chí điện tử.
Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 2 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình (tăng thêm 2 kênh truyền hình so với năm 2018).
Trong năm 2019, thực hiện Quy hoạch báo chí, Đài PTTH Quảng Ninh và Đài PTTH Bình Phước đã được sáp nhập với cơ quan báo Đảng của tỉnh, trở thành cơ quan báo chí thực hiện đủ cả 4 loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Trong Quý II và Quý III/2019, Bộ TTTT đã cấp phép hoạt động báo chí cho 2 cơ quan này với tên gọi: Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Đài PTTH và Báo Bình Phước.
|
Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phát huy tác dụng tích cực. Các cấp hội tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Về kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trong năm 2019, cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí của các Tạp chí điện tử có biểu hiện “báo hóa”.
Về nội dung thông tin trên báo chí, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Năm 2019 có sự chuyển biến rõ nét của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, với nhiều hình thức thông tin phong phú. Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin về nội dung này, như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN), Tạp chí Quốc phòng toàn dân… Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài mở mới đã tăng lên đáng kể, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân. Đặc biệt, trên phát thanh, truyền hình, nhiều chương trình giải trí, phim truyện lành mạnh, có nội dung giáo dục tốt đã được phát sóng.
Về hoạt động nghiệp vụ, nhiều cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng bài báo, trang báo, chương trình, kênh chương trình, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung thương hiệu Việt được đông đảo dư luận quan tâm, hoan nghênh.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin.
Trong năm 2019, các Đài PTTH đã mở mới thêm được gần 300 chuyên mục truyền hình, phát thanh. Nhiều báo in có phiên bản điện tử đã thành công trong việc chuyển đổi để nắm bắt và giữ được độc giả, thể hiện qua việc phát triển mạnh được báo điện tử trong khi xu hướng đọc báo in giảm mạnh.
100% các Đài PTTH đều xây dựng các kênh youtube, đưa nội dung PTTH của mình lên nền tảng facebook, nâng cấp trang TTĐT, xây dựng các ứng dụng truyền hình (app) của Đài để tạo điều kiện cho khán, thính giả tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí chính thống, đồng thời góp phần quảng bá các chương trình tự sản xuất của Đài.
|
THÁCH THỨC TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ HIỆN NAY
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ truyền thông, xu thế hội tụ công nghệ ngày càng mạnh mẽ, đã hình thành nên những cơ quan truyền thông đa phương tiện với việc thực hiện đầy đủ các loại hình truyền thông. Sự phát triển của công nghệ internet, của các thiết bị di động cầm tay có kết nối internet đã làm thay đổi phương thức đọc, nghe, xem truyền thống của người dùng, chuyển dịch từ đọc báo giấy, nghe radio, xem tivi truyền thống sang đọc, nghe, xem báo chí, phát thanh, truyền hình thông qua việc sử dụng phương thức điện tử, thiết bị thông minh. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm báo chí của mình và có giải pháp kỹ thuật đo lường nội dung cung cấp trên internet để đánh giá hiệu quả thông tin tuyên truyền.
Những xu hướng trên đã đặt ra những thách thức cho báo chí hiện nay. Đó là, sự phát triển mạnh mẽ của internet, truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí chính thống: báo in ngày càng sụt giảm về số lượng phát hành; nhiều cơ quan báo chí xin được giảm kỳ hạn của các ấn phẩm, thậm chí dừng xuất bản; nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo sụt giảm do sự cạnh tranh về quảng cáo thương mại của các phương thức truyền thông khác. Áp lực phải giữ, phát triển độc giả, khán, thính giả của các cơ quan báo chí cũng ngày càng nặng nề trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội.
Việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí. Việc đổi mới mô hình hoạt động giúp các cơ quan báo chí tinh gọn đầu mối, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, từng bước bắt nhịp với xu hướng hội tụ công nghệ hiện đại, đồng thời vẫn bảo đảm giữ được bản sắc riêng, phục vụ cho từng đối tượng độc giả.
Song song với đó là thách thức về sự duy trì, bổ sung nguồn thu để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo. Hiện nay, kinh tế báo chí là một trong những vấn đề sống còn đối với cơ quan báo chí, đặc biệt trong bối cảnh phải tự chủ chi thường xuyên từ năm 2020 theo Quy hoạch Báo chí. Nguồn thu của các cơ quan báo chí hiện chủ yếu vẫn đến từ nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, nguồn thu quảng cáo bị sụt giảm dần theo từng năm do sự chuyển dịch quảng cáo sang các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Trong khi nguồn thu đến từ phát hành (đối với báo chí in) đang sụt giảm; nguồn thu từ bán bản quyền nội dung (đối với PTTH) không đáng kể; và hầu hết các cơ quan báo chí chưa có nguồn thu từ việc người dùng trả tiền để đọc, nghe, xem nội dung báo chí. Bên cạnh đó, cơ chế đặt hàng báo chí chưa thực sự hiệu quả, còn manh mún. Vì vậy, thách thức trong việc bảo đảm nguồn thu để duy trì hoạt động ngày càng lớn.
Năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, trong đó 06 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. |
GIÁ TRỊ CỦA BÁO CHÍ LÀ TÍNH CHÍNH THỐNG
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những kết quả của hoạt động báo chí trong năm 2019. Theo Phó thủ tướng, năm 2019, 12/12 chỉ tiêu của đất nước đề ra đã được hoàn thành và vượt mức kế hoạch, trong đó mức tăng trưởng cả nước đạt trên 7%, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, hình ảnh vị thế của đất nước rất khó khăn… trong đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của báo chí.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, báo chí vẫn còn những hạn chế, như việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí chưa đúng tiến độ. Báo chí cũng phải chạy đua thông tin nhưng vẫn phải phù hợp với sự đòi hỏi của nhân dân, tính chiến đấu cũng phải mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng cho rằng vai trò của các cơ quan chủ quản vẫn còn hạn chế. Một số cơ quan chủ quản vẫn chưa thực sự chú ý, dành nguồn lực cho cơ quan ngôn luận của mình cũng như trong việc cung cấp thông tin cần thiết cho báo chí. Nhiều cơ quan chủ quản chỉ nhấn mạnh vai trò đơn vị báo chí trực thuộc là tiếng nói ngành mình, địa phương mình mà quên rằng mỗi tờ báo còn là tiếng nói của nhân dân. Chưa chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để báo chí thực hiện sứ mạng của mình.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức rất lớn của báo giới hiện nay. Đó là yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, có tính định hướng nhưng cũng phải bảo đảm hình thức phù hợp với sự đòi hỏi của người dân, của hoàn cảnh mới.
Phần lớn các cơ quan báo chí đang phải tự lo một phần hoặc hoàn toàn về kinh tế, phải cạnh tranh với các phương tiện thông tin khác vốn không được coi là báo chí. Cùng với đó, việc sắp xếp, quy hoạch lại báo chí nhưng phải bảo đảm thông tin lan toả tới mọi ngõ ngách của đời sống nhưng đòi hỏi tính định hướng, tính chính thống không hề giảm, thậm chí cao hơn.
Khẳng định Chính phủ đề cao vai trò của báo chí, trân trọng và tiếp thu những vấn đề báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, các cơ quan quản lý, chính quyền cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin trên địa bàn. Các cơ quan nhà nước cũng phải gương mẫu, cung cấp thông tin kịp thời để các nhà báo tác nghiệp đúng quy định. Giá trị của báo chí là tính chính thống.
7 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, phân tích bối cảnh trong nước và thế giới năm 2020 tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đặt ra không ít khó khăn, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ngoài những nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo và các ý kiến tham luận, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, kiên trì thực hiện chỉ đạo, định hướng thông tin theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; bảo đảm, thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo định hướng thông tin.
Hai là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các sự kiện lớn, vấn đề quan trọng của đất nước; nêu bật những thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng... trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; xây dựng môi trường thông tin lành mạnh tiến bộ với dòng chủ lưu là thông tin tích cực góp phần tạo không khí tin cậy, phấn khởi, nỗ lực hoàn thành tốt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nghị quyết đại hội XII của Đảng, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Ba là, nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, khẩn trương thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.
Tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng quy định để phân biệt báo điện tử và tạp chí điện tử để khắc phục tình trạng "báo hóa” tạp chí.
Bốn là, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí. Đề nghị tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên; khuyến khích đội ngũ những người làm báo không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy tốt sứ mệnh người làm báo.
Năm là, nhận diện, đánh giá đúng, có biện pháp khắc phục các biểu hiện tư nhân hóa báo chí. Cần đánh giá đúng để có giải pháp khắc phục hiện tượng một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc liên kết trong hoạt động báo chí để gây áp lực, tác động trong việc sản xuất, đăng, phát nội dung thông tin vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy và lợi ích cục bộ; đánh giá đúng bản chất tình trạng lãnh đạo, phóng viên thành lập doanh nghiệp để xử lý khủng hoảng truyền thông, ký kết hợp đồng hợp tác truyền thông với chính các đối tượng mà mình phản ánh. Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến phẩm giá, danh dự của những người làm báo chân chính, phải sớm có biện pháp khắc phục.
Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội trên cả hai khía cạnh nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Hội cần phải tích cực thực hiện các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể và thiết thực, có sức cuốn hút và lan tỏa đối với hội viên và các tổ chức chi hội. Quan tâm, tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ cho những người làm báo trong bối cảnh đời sống truyền thông và đời sống xã hội ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, với nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh; thậm chí, có cả những mưu toan lợi dụng tự do dân chủ tổ chức các hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại những giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng chân chính đã và đang phấn đấu.
Bảy là, tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và trách nhiệm giải trình của các cơ quan báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam (ở địa phương là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh thành) phải tăng cường trao đổi, phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng cấp để tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí một cách chủ động, kịp thời; nhấn mạnh đến trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí một cách đúng pháp luật; không để các cơ quan báo chí tự tìm tòi, khai thác những nguồn thông tin thiếu kiểm chứng, không chính thức.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, tham mưu công tác báo chí và 13 cơ quan báo chí đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019.
Thu Hằng